Hiện trường nơi chị N. thuê người chặt chân, tay để tạo hiện trường giả vụ TNGT đường sắt – Ảnh: THÂN HOÀNG |
Việc giả tai nạn để trục lợi bảo hiểm bị chế tài ra sao? Nếu chưa đạt được mục đích thì có bị xử lý hay không?
Ngày 5-5, Công an Q. Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhận được thông tin một vụ tai nạn giao thông đường sắt làm nạn nhân là chị L.T. N., 30 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng điều tra, cơ quan công an kết luận vụ tai nạn này là giả. Chị N. đã thuê một người chặt tay và chân mình sau đó trình báo công an đã bị tàu hoả tông để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ mà chị N. đã mua trước đó.
Nếu vụ lừa đảo này thành công, chị N. sẽ yêu cầu phía bảo hiểm chi trả 3,5 tỉ đồng.
Ngày 24-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết đã ra quyết định không khởi tố hình sự vụ án này do hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N. chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội.
Sau vụ việc này nhiều bạn đọc thắc mắc, ngoài trường hợp chị N. bị phát hiện, nếu tiếp tục có người cố ý tạo tai nạn để trục lợi bảo hiểm, sẽ bị xử lý ra sao?
Cố ý tạo ra sự kiện bảo hiểm, xử lý ra sao?
Theo luật sư (LS) Hồ Nguyên Lễ – Văn phòng LS Tín Nghĩa, Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009 hiện hành không có qui định về tội danh “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”.
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) lại có qui định tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” tại Điều 213.
Theo đó, cá nhân nào thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm như giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hợp đồng, tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, nếu chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Người giúp sức có bị liên đới trách nhiệm?
Theo LS Hồ Nguyên Lễ, với những đối tượng có liên quan đến vụ việc (trong câu chuyện này là người đã được chị N. thuê để chặt tay chân), cơ quan điều tra cần làm rõ người này có phải là đồng phạm hay không, có tổ chức hành vi phạm tội hoặc có che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm hay không.
“Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức hành vi tội phạm đều được xem là đồng phạm. Khi quyết định hình phạt đối với những đồng phạm này, Toà án phải xét đến tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng đối tượng” – LS Hồ Nguyên Lễ nói.
Theo LS Nguyễn Hữu thế Trạch, người hỗ trợ cho người giả bị tai nạn tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở hai tội danh sau:
Nếu có sự bàn bạc thống nhất trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bàn bạc về việc chặt tay chân, giả bị tai nạn để được nhận bảo hiểm và được trả thù lao từ việc chặt tay chân ấy) thì có thể bị khởi tố về tội lừa đảo chiêm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm.
Nếu người trực tiếp chặt tay chân chỉ đơn thuần được nhờ chặt tay sau đó đi báo công an về việc tai nạn, không có bàn bạc về thỏa thuận ăn chia lừa đảo thì người này có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích.
Tiền mất, tật mang – đáng thương và đáng tội!
Đó là nhận định của tiến sĩ Ôn Tuấn Bảo, nguyên vụ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội.
LS Hồ Nguyên Lễ cho biết thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan đến ngành bảo hiểm đã nhiều lần kiến nghị luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm do số lượng những hành vi có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ, tài liệu giả mạo… để hưởng bảo hiểm có nguy cơ bùng phát.
“Nếu không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, hậu quả do nó gây ra sẽ tác hại vô cùng lớn, gây xáo trộn về kinh tế, xã hội”, LS Nguyên Lễ nói.
Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, thực tế ở nước ta việc lừa công ty bảo hiểm để lấy tiền như trong trường hợp nêu trên là ít phổ biến. Nhưng ở nước ngoài, hành vi này lại được nhiều người làm.
“Một xã hội phát triển luôn đi đôi với việc gia tăng và làm phát sinh các loại tội phạm mới. Do đó, các cơ quan pháp luật luôn phải có những phương án để phòng chống, người dân cũng đồng thời đề cao cảnh giác”, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.
Theo ông Hồ Nguyên Lễ, vụ việc lần này là bài học xương máu cho những ai cố tình vi phạm pháp luật, vừa tiền mất, tật mang vừa có thể bị ngồi tù.
Muôn màu chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tiền bảo hiểm Không những là thuê người chặt tay chân, nhiều đối tượng còn dùng những thủ đoạn tinh vi hơn để đòi tiền bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm nhân thọ hoặc chiếm đoạt tiền bảo hiểm của người khác. Như vụ việc một người chồng Đài Loan tổ chức sát hại người vợ là người Việt của mình để chiếm đoạt 20 triệu Đài tệ (hơn 620.000 USD) bằng âm mưu vô cùng tinh vi. Đối tượng Lý Song Toàn (nhân viên Cục Đường sắt Đài Loan) cho vợ người Việt của mình uống thuốc độc, sau đó gã cùng vợ lên tàu, dàn dựng một vụ trật đường ray để phi tang tội giết người. Tuy nhiên, không phải vụ án nào liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bảo hiểm cũng gây phẫn nộ. Tờ Shanghaiist đưa tin, một người mẹ 63 tuổi tại Trung Quốc đã nhảy lầu tự tử để con được hưởng tiền bảo hiểm chữa bệnh. Thế nhưng người mẹ này đã không để ý ngày hết hạn bảo hiểm là cách đó nửa năm, vì thế bảo hiểm đã hoàn toàn hết hiệu lực. Bà cũng đã không tìm hiểu kỹ việc bên bảo hiểm sẽ không chi trả tiền trong trường hợp người đóng tự tử. |
Mời bạn đọc lắng nghe phát biểu trong bài:
>> TS Ôn Tuấn Bảo:
Nguồn: tuoitre.vn