Bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ, thiệt hại về tài sản và người tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên…
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xác định thiệt hại, bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua, người thụ hưởng bị thiệt hại.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (IAV), chiếm phần lớn khoản chi trả bảo hiểm tài sản sau đợt bão Yagi là thiệt hại từ ôtô bị cây đổ đè bẹp hoặc ngập sâu do mưa lũ và các cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp. Đây là các đối tượng thường chủ động phòng bị rủi ro về thiệt hại tài sản.
Ông Dũng cho hay các công trình có bảo hiểm rủi ro tài sản không loại trừ bão lũ, giông lốc và chủ xe cơ giới mua bảo hiểm thân vỏ sẽ được các hãng chi trả bồi thường thiệt hại. Đợt càn quét của bão Yagi qua nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc lần này, đại diện IAV ước tính khoản bồi thường có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Vũ Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm PVI cho biết, khoảng 240 vụ việc báo cáo tổn thất (chưa gồm bảo hiểm xe cơ giới và con người) được PVI ghi nhận tới ngày 10/9 – ba ngày sau khi bão Yagi “càn quét” miền Bắc. Số tiền bồi thường theo ước tính là trên 400 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất giám định, doanh nghiệp này cho biết sẽ nhanh chóng tạm ứng chi trả trong tuần này.
Còn Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) thống kê gần 500 vụ tổn thất, một nửa trong số này là bảo hiểm tài sản kỹ thuật. Còn lại là tổn thất bảo hiểm xe cơ giới và hàng hải. Số tiền bồi thường gần 200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất trắng sau bão Yagi. Tuy nhiên, ông Ngô Trung Dũng cho biết, các chủ hộ kinh doanh chưa có thói quen chủ động phòng vệ rủi ro bằng bảo hiểm, do đó khi bị thiệt hại họ thường không thuộc diện được bảo vệ.
Ngoài ra, nhiều chung cư, nhà ở tại các địa phương khu vực phía Bắc cũng chung tình trạng hư hỏng nặng sau bão. Song, tương tự với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết trên thực tế, rất ít người dân mua bảo hiểm bão lũ cho chung cư hay nhà ở.
Chuyên gia Trần Nguyên Đán, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM lý giải, thực tế loại bảo hiểm rủi ro mọi tài sản với chung cư chưa phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Theo ông, hầu hết người mua chung cư thường vay ngân hàng. Các nhà băng bán kèm bảo hiểm không tập trung nhắm vào nhu cầu thực sự của khách hàng còn người dân chưa có nhận thức phòng vệ rủi ro bảo hiểm tài sản. Do đó, họ thường mua kèm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để giảm chi phí hoặc bị “ép” mua thêm bảo hiểm nhân thọ theo ràng buộc của các nhà băng. “Vì thế, đa phần người sở hữu chung cư bị ảnh hưởng bởi đợt bão vừa qua thường không được bồi thường dù có bảo hiểm”, ông Đán nói.
Mức phí hàng năm của loại bảo hiểm mọi rủi ro tài sản với chung cư chỉ chiếm khoảng 3% giá trị tài sản, thấp hơn nhiều so với thiệt hại nếu xảy ra. Do đó, chuyên gia Trần Nguyên Đán cho rằng người dân cũng như các ngân hàng nên chú trọng hơn tới các sản phẩm bảo hiểm đúng nhu cầu, thay vì giao dịch đối phó.
Với bảo hiểm tổn thất về người, các hãng cũng thống kê bước đầu chi trả tạm ứng cho một số khách hàng thiệt hại vì bão. Chẳng hạn, tới chiều 9/9, AIA Việt Nam ghi nhận 5 khách hàng tử vong, tổng quyền lợi bảo hiểm khoảng 6,5 tỷ đồng. Sau khi xác nhận bước đầu, công ty này đã chi trả cho toàn bộ khách hàng.
Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ vào sáng 7/9, khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Bên cạnh đó, tình trạng lũ lụt sau bão đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa bàn như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên…
Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại những nơi bão quét qua ghi nhận thiệt hại về cơ sở vật chất. UBND tỉnh Quảng Ninh thống kê đến chiều 8/9 có 19.500 nhà bị tốc mái, 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá bị chìm, trôi dạt, hơn 1.297 cột điện bị gãy, 70% cây xanh bị gãy đổ.
Quỳnh Trang
Nguồn: vnexpress.net