Vì động cơ trục lợi bảo hiểm, có người đã bị tử hình, có người bị tuyên án cả chục năm tù, phải bồi thường tiền cho các doanh nghiệp bảo hiểm… Tất cả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần phải cảnh giác và ngăn chặn hành vi lợi dụng bảo hiểm, một phương pháp bảo vệ tài chính – để thu lợi bất chính.
Án điểm xử lý hình sự
Trục lợi bảo hiểm (Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 ghi nhận tội danh này là gian lận trong kinh doanh bảo hiểm), là những hành vi có chủ ý nhằm thu lợi bất chính từ việc tham gia bảo hiểm. Các bên tham gia bảo hiểm thường đã có chủ ý thực hiện hành vi gian dối ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm mà đáng lý ra họ không được hưởng.
Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, vấn đề trục lợi bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên gần đây, các vụ trục lợi bảo hiểm có dấu hiệu tăng về số lượng và sự tinh vi trong thủ đoạn thực hiện và đã gây nên nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp bảo hiểm, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng tham gia chân chính.
Mới đây nhất, ngày 23.8.2024, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “một khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH)” từ năm 2019 nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm lên đến hàng chục tỉ đồng. Kết quả, ông Nguyễn Văn Khánh, bà Vũ Thị Ngọc Hà, bà Phan Thị Trang và ông Lê Đức Phong bị tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó, bà Hà bị xử phạt 10 năm tù, ông Khánh bị xử phạt 7 năm tù, bà Trang 3 năm tù cho hưởng án treo và ông Phong bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo, bị cấm làm công việc liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Trước đó, năm 2020, Nguyễn Quang Uy, điều dưỡng viên của Khoa Tai mũi họng – Bệnh viện Bạch Mai, đã bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù vì tội làm giả hồ sơ bệnh án của bản thân để chiếm đoạt 2 tỉ đồng tiền bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, sau khi chiếm đoạt, nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, Uy đã tự chuyển khoản lại số tiền 2 tỉ đồng này cho 3 công ty bảo hiểm. Tòa tuyên Uy đã phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, sau khi thực hiện hành vi đã ăn năn hối cải tự nguyện bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt nên chỉ xử phạt 30 tháng tù và nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Hủy hoại thân thể và làm hại người khác để nhận bồi thường bảo hiểm
Ngành bảo hiểm cũng đã chứng kiến nhiều vụ trục lợi tinh vi, phức tạp và để lại hậu quả nặng nề hơn (cho sức khỏe tính mạng người tham gia bảo hiểm). Điển hình có vụ Lý Thị N. (sinh năm 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) năm 2016 đã thuê người chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa với mục đích sẽ có được 3,5 tỉ đồng tiền bồi thường bảo hiểm. Qua điều tra, Công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Do mục đích trục lợi bảo hiểm chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên N. không bị khởi tố. Tuy nhiên, những thương tật trọn đời hẳn đã là cái giá quá đắt cho hành vi liều lĩnh, bất chấp tính mạng để tìm cách trục lợi của người phụ nữ này.
Đây là một vụ việc tự gây thương tích mà cơ quan công an điều tra xác minh được. Còn có những vụ việc rất khó hoặc không thể kết luận, ví dụ như “tai nạn” cụt ngón tay cái (là ngón tay được chi trả số tiền bảo hiểm nhiều nhất, tới 20% số tiền bảo hiểm) khách hàng khai do sơ suất khi chặt dừa, bổ củi, cưa cây, chặt giò heo… liên tiếp xảy ra tại một địa phương ở miền Nam những năm 2017, 2018, với việc người mua bảo hiểm nhân thọ trước đó 1 thời gian ngắn mua nhiều hợp đồng ba tại các công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau và che dấu không kê khai thông tin về việc mua nhiều HĐBH.
Tuy không thể kết luận việc khách hàng tự gây thương tích để trục lợi bảo hiểm, nhưng việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm TAND TP.HCM đều bác đơn kiện của một khách hàng trong 1 vụ việc cụ thể vì khách hàng đã che giấu thông tin, không kê khai trung thực việc đã mua bảo hiểm tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác, gian dối trong kê khai thu nhập để được mua hHĐBH với số tiền bảo hiểm lớn hơn đã “cứu” được nhiều ngón tay khác. Và sau đó không thấy phát sinh các vụ “tai nạn” cụt ngón tay ở địa phương trên nữa.
Một vụ việc có liên quan đến trục lợi bảo hiểm khác cũng đã gây chấn động dư luận trong năm 2020… Vì nợ số tiền lớn, không có khả năng trả nên Đỗ Văn Minh (Đắk Nông) đã lên kế hoạch hành động, giết người mượn xác tạo hiện trường giả là cái chết của chính mình nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm khoảng 18 tỉ đồng (theo 1 HĐBHnhân thọ Minh đã mua trước đó). Những toan tính này đã không thể thực hiện và Minh đã trả cái giá quá đắt cho cuộc đời mình (bị tòa tuyên tử hình với tội danh giết người) và gây ra sự xáo động xã hội trong một thời gian dài.
Những đường dây trục lợi bảo hiểm từ bệnh viện
Thực tế cho thấy, hành vi trục lợi bảo hiểm hiện nay không dừng lại ở chỗ toan tính của một cá nhân mà là có sự tham gia của nhiều người, thậm chí cả một đường dây cấu kết phân công chặt chẽ để dễ dàng qua mặt các doanh nghiệp bảo hiểm. Đặc biệt, việc làm hồ sơ bệnh án gần như không thể nào thực hiện được nếu không có sự dàn dựng, tiếp tay của nhân viên y tế.
Tháng 7.2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Nghệ An cũng đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gian lận bảo hiểm y tế xảy ra tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và bắt tạm giam 5 đối tượng. Cơ quan điều tra đã xác định hàng trăm bệnh án gãy xương giả. Các đối tượng đều có kiến thức về bảo hiểm nhân thọ và cách thức làm hồ sơ bồi thường nên đã liên hệ với người thân/quen là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh và Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ để làm hồ sơ giả và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường. Mỗi hồ sơ được thực hiện trót lọt, các đối tượng sẽ được ăn chia theo tỷ lệ và hưởng lợi lên đến hàng trăm triệu đồng. Tổng số tiền chiếm đoạt vào khoảng 10 tỷ đồng. Hiện đã có 5 đối tượng đã bị khởi tố với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo trong công tác. Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra.
Trước đó, tháng 7.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố 9 đối tượng với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo trong công tác liên quan đến một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Bước đầu xác định, một số cơ sở y tế, hàng chục nhân viên y tế, và hàng trăm khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận có liên quan đến đường dây mua bán chứng từ y tế giả để làm hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm sức khỏe.
Các đối tượng đã sử dụng giấy tờ tùy thân của người thân, người quen để mua HĐBH, và móc nối với các điều dưỡng, bác sĩ để tạo lập hồ sơ y tế điều trị ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày, áp xe nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm sức khỏe thu lợi bất chính lên đến hơn 5 tỉ đồng.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết đang nỗ lực tuyên truyền để giúp khách hàng, người dân có nhu cầu tham gia bảo hiểm tuân thủ các nguyên tắc bảo hiểm để bảo vệ bản thân, gia đình.
Những lưu ý với người tham gia bảo hiểm
– Thứ nhất, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về điều khoản sản phẩm bảo hiểm trước khi tham gia, kê khai thông tin trung thực, đặc biệt các bệnh có từ trước khi tham gia bảo hiểm. Khi đã kê khai trung thực, khách hàng sẽ luôn được đảm bảo các quyền lợi bảo vệ theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
– Thứ hai, cẩn trọng khi nhận được các đề nghị, gợi ý tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật để nhằm trục lợi bảo hiểm; đừng để bản thân và người thân trong gia đình bị lôi kéo vào các hành vi, toan tính trục lợi bảo hiểm dù vô tình hay cố ý vì sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng, tài chính… cho bản thân và gia đình.
– Thứ ba, mặc dù trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng với quy mô lớn, phức tạp, tinh vi nhưng tất cả những hành vi và cách thức đã được các cơ quan điều tra và doanh nghiệp bảo hiểm nắm rõ và pháp luật cũng đã có những quy định chặt chẽ để xử lý nghiêm minh. Vì thế, hãy loại bỏ mọi ý đồ trục lợi bảo hiểm và hãy khuyên bảo, ngăn chặn những người xung quanh khi nhận thấy có dấu hiệu này.
Nguồn: thanhnien.vn