Tuyến xe buýt 150 vẫn là tuyến xe rất đông hành khách ưa chuộng ở TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH
Nguyên nhân cái khó của buýt, nghĩ cho cùng không phải do hành khách.
Do doanh thu giảm?
Tôi thường đi trên Xa lộ Hà Nội nên cũng biết xe buýt từ TP.HCM đi Đồng Nai chỉ có ít tuyến: 601, 602, 603, 604. Số lượng xe chạy trong mỗi tuyến cũng khá khiêm tốn, chất lượng xe đang trong giai đoạn được nâng cấp dần.
Nói về doanh thu, không riêng gì xe buýt, hàng trăm lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi đại dịch COVID-19. Hàng không, đường sắt và cả xe khách đường dài cũng trong tình cảnh phải giảm chuyến vì ít khách. Nhìn những chiếc xe buýt to lớn nhưng thưa khách, những trạm chờ xe buýt được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng lắm lúc chỉ có một khách ngồi đón xe mà thấy ái ngại. Hình ảnh hàng tốp người xếp hàng lên xe buýt đã thưa vắng.
Dẫu vậy, theo tôi, chuyện doanh thu sụt giảm gần một nửa so với trước (nhưng chưa được hỗ trợ) cũng chưa hẳn là “vấn đề nóng” của xe buýt hiện nay. Nếu so sánh các tuyến xe “đồng hương” khác với xe 601, lượng khách vẫn khá ổn định. Tuyến xe số 150 “láng giềng” với xe 601, lộ trình Chợ Lớn (TP.HCM) – ngã ba Tân Vạn (Bình Dương), tuyến có nhiều xe nhất hiện nay, vẫn luôn đông khách. Không phải giờ cao điểm nhưng xe kín hết ghế ngồi, rất nhiều hành khách phải đứng. Buýt vắng không phải do thiếu khách!
Hành khách chấp nhận trả giá cao
TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương địa thế sát cạnh nhau, đều đông dân cư, nhu cầu vận tải công cộng sẽ rất lớn. TP Thủ Đức, cửa ngõ từ TP.HCM đi hai tỉnh bạn với hơn 1 triệu dân (sẽ còn tăng nữa), cũng là nơi tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghệ cao, trường đại học… thị trường dành cho xe buýt là điều ai cũng thấy rõ. Điều cốt lõi nằm ở chỗ xe buýt làm thế nào để chinh phục được hành khách. Người đi làm, đi học từ các địa phương này tăng cao nhưng khách của buýt giảm sút rõ là đáng lo!
Hành khách muốn đi trên những chiếc xe đẹp về ngoại hình lẫn chất lượng phục vụ. Chuyện này ngành vận tải khách công cộng nhìn thấy từ lâu nhưng buýt “chuyển mình” khá chậm. Từ TP.HCM đi Đồng Nai, trừ tuyến buýt 603 đã nâng cấp gần hết các xe, những tuyến còn lại vẫn sử dụng nhiều xe quá cũ. Lượng khách đến với xe buýt chưa ngang bằng số khách “chia tay” xe buýt để đi xe cá nhân hoặc xe khách với giá cao gấp 3-4 lần. Nếu không khẩn trương cải thiện, buýt sẽ tiếp tục mất khách.
TP.HCM từng đề xuất thí điểm xe buýt ứng dụng công nghệ đặt chỗ như xe khách chất lượng cao, song vẫn chưa thuyết phục được Bộ GTVT. Xe buýt điện chuẩn bị được chính quyền TP.HCM đưa vào vận hành là tín hiệu đáng mừng. Đây chính là loại phương tiện đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, bảo vệ môi trường hiện nay. Điều mà nhiều quốc gia đã chứng minh được hiệu quả, chúng ta cũng không thể ngoại lệ.
Muốn xe buýt hấp dẫn hơn cần phải có quyết tâm mạnh mẽ để thay đổi. Các gói hỗ trợ (nếu có) cũng chỉ là tạm thời, tượng trưng, còn quan trọng nhất vẫn là nỗ lực vượt khó, tự thân vận động của “người trong cuộc”. Chuyện trợ giá cho xe buýt cũng cần xem lại, chỉ nên áp dụng ở một số tuyến nhất định có đông sinh viên, như xe số: 6, 8, 56…
Đa dạng xe công cộng
Tuyến TP.HCM – Đồng Nai có những xe máy lạnh, WiFi miễn phí, hành khách được đặt trước ngày giờ, điểm đón và lượng khách rất đông. Từ TP.HCM đi các quận ven, loại xe công nghệ 16 chỗ chuyên đưa đón dân công sở đi làm cũng đang phát triển với nhiều tuyến. Có thể xem đây là hình thức vận tải công cộng do tư nhân tổ chức và đang được hành khách ưa chuộng. Hình thức này cũng cần lưu tâm phát triển để hoạt động tốt nhất.
Nhiều tuyến xe buýt đời cũ đang “chết”, không ít chuyến đang yếu dần. Thiếu quyết sách thì chưa thể giải được bài toán cho xe buýt và vận tải công cộng. Đừng trách hành khách. Vận tải công cộng cần nhiều loại hình xe và dịch vụ hiện đại hơn, nhiều mức giá cho nhiều đối tượng khác nhau và cùng nhau đổi mới thay vì chỉ thấy buýt rầu rĩ với những cái khó!
Nguồn: tuoitre.vn