Bà N.T.L.Th (Hà Nội) mua bảo hiểm Viên mãn trọn đời – cho em của Manulife đã bị từ chối chi trả quyền lợi, giữ lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng với lý do không khai báo thông tin trung thực, chính xác. Không những vậy, bà té ngửa khi hợp đồng Thành tài lập nghiệp – Cử nhân bà mua cho con trai cũng bị đình chỉ và giữ lại toàn bộ phí. “Bà không biết gì về những ràng buộc dắt dây này”, đại diện pháp lý của bà cho biết.
Đánh đố khách hàng
|
Lý do “khai báo thông tin không trung thực, chính xác, đầy đủ” là cái cớ đứng hàng đầu để các công ty bảo hiểm từ chối bồi thường.
Năm 2013, AIA từng từ chối bồi thường cho trường hợp ông Nguyễn Văn Long (đã qua đời) với lý do này. Theo đó, nguyên nhân cái chết của ông Long là trụy mạch, xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, nhưng AIA lại dựa vào chẩn đoán “hội chứng cai rượu” của ông trước đó để từ chối chi trả.
Trước đó, bảo hiểm Prudential cũng từ chối chi trả cho bà Huỳnh Thị Thảo với lý do bà không kê khai trung thực về tình trạng sức khỏe của con trai nhiễm HIV (đã mất vì tai nạn giao thông), hợp đồng vì thế vô hiệu. Cả hai vụ việc đã được đưa ra tòa phân xử. Hay Bảo Việt Nhân thọ cũng từ chối bồi thường trường hợp ông Trần Hậu Thuận (Hà Tĩnh, đã qua đời vì nhồi máu cơ tim) do không khai báo đã điều trị bệnh phổi trước khi ký bảo hiểm…
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng tình trạng nổi cộm của các hợp đồng bảo hiểm là từ ngữ sử dụng không rõ ràng, nên khi xảy ra sự cố dễ ngả theo chiều hướng có lợi cho nhà bảo hiểm. Chẳng hạn, người tham gia bảo hiểm phải điền đầy đủ, chính xác vào hồ sơ. Nếu vi phạm, hợp đồng sẽ vô hiệu và công ty sẽ hoàn lại phí bảo hiểm. Nhưng vô hiệu vào lúc nào? Vì công ty quy định, trên 21 ngày đến dưới 2 năm kể từ khi ký hợp đồng, người mua không khai chính xác là mất trắng. Còn sau 2 năm, giá trị hoàn lại chỉ còn khoảng 50%. Tuy nhiên, một điều khoản khác lại ràng buộc người mua, là hợp đồng chỉ có giá trị hoàn lại sau khi đã đóng phí 2 năm. “Nhiều người đã trắng tay vì không biết sự ràng buộc này”, ông nói.
Luật sư Nghiêm cũng dẫn chứng nguyên văn một điều khoản rối rắm, khó hiểu trong hợp đồng bảo hiểm của Manulife “đọc đến chết” cũng không hiểu được: “Trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, nếu bên mua bảo hiểm tử vong hay bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, và với điều kiện bên mua bảo hiểm tiếp tục bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn vào các ngày kỷ niệm hợp đồng và ngày phí bảo hiểm đến hạn, công ty sẽ thanh toán cho người được bảo hiểm 10% số tiền bảo hiểm mỗi năm vào ngày kỷ niệm hợp đồng cho đến khi hợp đồng bảo hiểm bắt đầu có quyền lợi phiếu tiền mặt và miễn phí bảo hiểm sản phẩm chính cho các kỳ phí bảo hiểm đến hạn của hợp đồng bảo hiểm này”. “Với hàng loạt các điều khoản tương tự như vậy, các công ty bảo hiểm đang đánh đố và gây khó khăn cho chính khách hàng của mình”, ông phân tích.
“Bé xé ra to”
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, nhìn nhận các công ty bảo hiểm nhân thọ đang cố tình nghiêm trọng hóa vấn đề khai báo thông tin của người mua. Về nguyên lý thì các vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tính chất hợp đồng thì mới được đơn phương chấm dứt. Nhưng trong hợp đồng, hầu hết các vi phạm đều dẫn đến việc hợp đồng bị vô hiệu hóa khiến người mua bảo hiểm cảm thấy oan ức, thiệt thòi.
Luật sử Đức đề xuất, các cơ quan có chức năng quản lý phải là nơi giám sát chặt chẽ, yêu cầu điều chỉnh, làm sáng tỏ hơn nữa ngữ nghĩa của hợp đồng. Nếu không, người tiêu dùng rất khó khăn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Còn luật sư Nghiêm cho rằng đại lý bảo hiểm đi giao dịch thường dẫn ra những quyền lợi lớn để thu hút người mua. Nhưng đến khi xảy ra sự cố, người xử lý bồi thường lại đặt quyền lợi công ty lên cao hơn. “Hợp đồng bảo hiểm hiện nay như một trận đồ bát quái. Những khách hàng được các đại lý bảo hiểm giao dịch nhằm mục đích ký hợp đồng cần dịch vụ tư vấn tài chính. Đừng nghe hoàn toàn vào đại lý”, luật sư Nghiêm cảnh báo.
Nguồn: thanhnien.vn