Trước đó ngày 9.5, Bộ Y tế có Công văn 2348 gửi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) VN về việc bãi bỏ Công văn 2009 ngày 12.4.2018 của bộ này về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) sử dụng máy mượn, máy đặt ở các bệnh viện (BV). Tiếp đó, ngày 12.5, BHXH VN có Công văn 1261 gửi các cơ quan BHXH tỉnh, TP dừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với DVKT sử dụng máy mượn, máy đặt kể từ ngày 9.5 (Thanh Niên ngày 14.5 đã thông tin).
Với hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại, nếu mua thì nhà nước phải đầu tư nhiều tiền mà cũng phải mua hóa chất của công ty bán máy |
D.T |
Vì quá bất ngờ, nhiều cơ sở y tế và địa phương “kêu cứu” khẩn vì quyền lợi chính đáng của bệnh nhân (BN) BHYT bị đe dọa, và cùng với đó là phát sinh nhiều hệ lụy khó lường… “Nếu đến ngày 16.5 mà Bộ Y tế và BHXH VN vẫn thực hiện 2 công văn nêu trên thì BV sẽ dừng DVKT sử dụng máy mượn, máy đặt trên BN BHYT. Theo đó, việc khám chữa bệnh (KCB) sẽ bị ảnh hưởng lớn”, lãnh đạo một BV tại TP.HCM cho biết khi trả lời Thanh Niên vào chiều qua (14.5).
Gây ảnh hưởng lớn
Sau khi được Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình về việc thực hiện Công văn 2348 của Bộ Y tế và Công văn 1261 của BHXH VN, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và BHXH VN báo cáo những khó khăn, vướng mắc.
Theo UBND TP.HCM, việc triển khai thực hiện công văn trên tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến công tác KCB. Hiện nay, đa số các máy xét nghiệm (miễn dịch, vi sinh, huyết học…) là máy thế hệ mới, máy đóng (là máy chỉ sử dụng được hóa chất của hãng mà không thể sử dụng hóa chất của các hãng khác, hoặc nếu sử dụng hóa chất của hãng khác sẽ cho kết quả không đầy đủ các thông số cần thiết hoặc kết quả không chính xác).
Vì vậy, việc tổ chức đấu thầu máy móc, trang thiết bị xét nghiệm là không phù hợp với thực tế. Trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cũng như nguồn thu sự nghiệp của các BV còn hạn chế, việc mua máy xét nghiệm có thể không hiệu quả (chi phí đầu tư ban đầu lớn, chi phí sửa chữa phát sinh, máy nhanh chóng lỗi thời, hóa chất theo máy không trúng thầu…). Do vậy, đa số các máy xét nghiệm ở các BV đang được thực hiện dưới hình thức là công ty trúng thầu gói hóa chất xét nghiệm có trách nhiệm cung cấp thiết bị để BV chạy hóa chất xét nghiệm.
Theo văn bản khẩn của UBND TP.HCM gửi Bộ Y tế và BHXH VN, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 412 cơ sở KCB, trong đó có 185 cơ sở KCB BHYT. Theo số liệu KCB BHYT chỉ từ ngày 1 – 12.5.2022, có đến 9.451 lượt KCB có xét nghiệm trong 113.409 lượt KCB BHYT, chi phí xét nghiệm/tổng chi là 47 tỉ đồng/528,3 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 8,92%).
Theo đó, bình quân chi phí xét nghiệm mỗi ngày cho BHYT là hơn 4 tỉ đồng. Như vậy, khi thực hiện Công văn 2348 của Bộ Y tế từ ngày 9 – 12.5, thì chi phí xét nghiệm đã thực hiện cho BN BHYT tại các cơ sở KCB của TP.HCM ước tính khoảng 16 tỉ đồng. Và khoản tiền này sẽ không được BHYT thanh toán theo Công văn 1261 của BHXH VN. Trong khi đó, BV Chợ Rẫy cũng cho biết trong các ngày qua cũng chi phí lên đến 7 tỉ đồng tiền xét nghiệm.
Vì vậy, theo UBND TP.HCM, việc dừng thanh toán chi phí xét nghiệm đối với các máy đặt, máy mượn theo Công văn 2348 của Bộ Y tế và Công văn 1261 của BHXH VN sẽ dẫn đến các cơ sở KCB tạm ngưng thực hiện các DVKT xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn; đồng nghĩa với việc BN không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Nếu các cơ sở KCB tiếp tục thực hiện các DVKT xét nghiệm này, nhưng BN phải tự thanh toán chi phí, thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của BN BHYT, ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội và làm chậm lộ trình BHYT toàn dân.
Cần có lộ trình
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng giám đốc BHXH VN xem xét, chấp thuận tiếp tục thanh toán chi phí xét nghiệm BHYT đối với các DVKT xét nghiệm thực hiện từ máy đặt, máy mượn cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền. Nếu như phải dừng thanh toán thì cần phải có lộ trình để các cơ sở KCB có đủ thời gian chuẩn bị.
Không chỉ tại TP.HCM, một lãnh đạo BV Đà Nẵng cho biết khi áp dụng Công văn 2348, BV gặp nhiều khó khăn, do đó rất cần thời gian để chuyển tiếp trước khi thực hiện việc bãi bỏ thanh toán BHYT trên máy mượn, máy đặt. Bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP.Đà Nẵng, thông tin ngay sau khi nhận được Công văn 2348 của Bộ Y tế, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết việc “đảo chiều” của Bộ Y tế sẽ gây khó khăn cho các BV và cả người bệnh. Sở đang làm văn bản gửi Bộ Y tế, kiến nghị tạm dừng hoặc nếu áp dụng cũng cần có lộ trình.
Bảo hiểm xã hội VN nói gì?
Trả lời Thanh Niên ngày 14.5, một lãnh đạo BHXH VN cho biết Công văn 2348 của Bộ Y tế bãi bỏ Công văn 2009 về thanh toán các DVKT sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt, BHXH VN là một trong những đơn vị nhận sau cùng chứ không phải đơn vị nhận được đầu tiên.
“Thông thường theo quy chế phối hợp, hai bên phải trao đổi thống nhất với nhau về những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, BHXH nhận được công văn bãi bỏ của Bộ Y tế cũng rất đột ngột và chúng tôi cũng không hiểu tại sao lại bãi bỏ”, vị này nói.
Theo vị lãnh đạo này, Công văn số 2348 của Bộ Y tế ban hành ngày 9.5, nhưng đến ngày 11.5 BHXH VN mới nhận được. Một ngày sau đó, cơ quan này đã ra văn bản đề nghị BHXH các địa phương dừng thanh toán BHYT đối với các dịch vụ nêu trên.
Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, lãnh đạo BHXH VN cũng đồng tình với ý kiến đề xuất của UBND TP.HCM và các BV về việc cần phải có một lộ trình cho phép các BV chuyển đổi sang giải pháp thay thế khác.
Nguồn: thanhnien.vn