Tôi muốn hỏi, theo luật Bảo hiểm xã hội mới, từ 1.7.2025, nếu người lao động làm việc tại công ty mà bị tai nạn trên đường đi làm từ nơi ở đến nơi làm việc thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau hay chế độ tai nạn lao động?
Bạn đọc Thanh Hưng
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hằng (Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự) tư vấn, theo điểm c, khoản 1 điều 42 luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025) quy định trường hợp người lao động phải điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc.
Luật sư Thu Hằng cho biết, căn cứ điều 43 và điều 45 luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức theo quy định tại khoản 3 điều 45 luật Bảo hiểm xã hội 2014. Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động trong trường hợp này được tính như sau:
- Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên.
- Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
- Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm. Quy định về việc được hưởng chế độ ốm đau nếu bị tai nạn
Quy định về việc được hưởng chế độ ốm đau nếu bị tai nạn
Quy định về việc được hưởng chế độ ốm đau nếu bị tai nạn trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc là điểm mới được thay đổi của luật Bảo hiểm xã hội 2024 so với quy định của luật Bảo hiểm xã hội 2014 và luật An toàn vệ sinh lao động 2015, cụ thể:
Theo điểm c khoản 1, khoản 2 điều 45 luật An toàn vệ sinh, lao động 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động là bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên khi bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Theo điểm b khoản 2 điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ LĐ-TB-XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo quy định của luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và văn bản hướng dẫn luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trường hợp bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, nếu được đoàn điều tra tai nạn lao động kết luận là tai nạn lao động và được hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và không được giải quyết chế độ ốm đau.
Theo luật sư Thu Hằng, mặc dù đang có sự điều chỉnh khác nhau về cùng một vấn đề giữa luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và luật Bảo hiểm xã hội 2024. Tuy nhiên, phải đến ngày 1.7.2025 thì luật Bảo hiểm xã hội 2024 mới có hiệu lực. Dự kiến sắp tới, luật An toàn vệ sinh lao động cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với quy định mới của luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Luật sư cho rằng, sự điều chỉnh, thay đổi này phù hợp với điều kiện và bản chất của sự kiện, bởi việc tai nạn trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại là sự kiện không xảy ra trong quá trình lao động hay gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Do đó, nếu xem đó là tai nạn lao động và buộc người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm từ việc không phải do lỗi của người sử dụng lao động gây ra là điều không phù hợp với sự thật khách quan, điều kiện thực tế của sự việc.
Nguồn: thanhnien.vn