Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại tại buổi đối thoại với công nhân lao động sáng nay 12.6.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi đối thoại |
Nguyễn Hải |
Cùng tham dự buổi đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề…
Trước khi buổi đối thoại bắt đầu, Thủ tướng đã thông báo một tin vui đến công nhân lao động cả nước, Chính phủ đã ký Nghị định tăng lương tối thiểu thêm 6% từ 1.7 cho người lao động ngay trước khi cuộc đối thoại diễn ra.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị công nhân chia sẻ thẳng thắn, chân thành, hết sức xây dựng, từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất. Sau buổi đối thoại hôm nay, các cơ quan, ban ngành sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đất nước, tình hình thực tiễn cũng như nguyện vọng của người lao động.
Mức lương tối thiểu thay đổi thế nào từ sau ngày 1.7 |
Sẽ giảm số năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm
Là người đặt câu hỏi đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thúy Hà, công nhân HTX Mây tre lá Ba Nhất, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), nêu những bất cập của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Chị Hà kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút”.
Câu hỏi được Thủ tướng chuyển Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, ông Đào Ngọc Dung cho biết, để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cần sửa luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ khoảng hơn 20 triệu người có hợp đồng, giao kết lao động, trong đó chỉ có 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện, tỷ lệ như vậy là thấp.
Ông Dung chia sẻ: “Những năm gần đây xuất hiện tình trạng người dân đi rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đây là điều không tốt và gây hệ lụy lâu dài đối với người lao động. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB-XH sửa đổi luật Bảo hiểm với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội”.
Về các chính sách mới, theo ông Dung, dự thảo sẽ giảm dần số năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu. Từ 20 năm rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận được, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo.
Ngoài ra, các nhóm chính sách về bảo hiểm sẽ được liên kết chặt chẽ với nhau, theo hướng có lợi cho người lao động; bổ sung nguyên tắc chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm dài với ngắn, đóng ít với nhiều; có cơ chế chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội cho công nhân
Từ đầu cầu Nghệ An, anh Nguyễn Đình Biên, công nhân Công ty TNHH Woosin Vina, chia sẻ những khó khăn của cong nhân về nhà ở và trường học cho các con. Anh mong Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, trường học, khu vui chơi, văn nghệ cho anh chị em công nhân.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, cho biết thời gian qua, Thủ tướng đã rất quan tâm thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Giai đoạn 2016-2021, Việt Nam đã đạt kết quả nhất định, cả nước đã đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là 122 dự án, với 2,7 triệu m2 nhưng mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở của công nhân trên cả nước.
Ông Sinh cũng thông tin Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế khuyến khích đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Trong quá trình sửa đổi, nổi lên một số nhóm chính sách lớn là làm thế nào để dành được các quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Thủ tướng tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Bắc Giang |
Nguyễn Hải |
Theo đó, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở công nhân; khu công nghiệp phải dành 2% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh tùy tình hình thực tế bố trí các quỹ đất đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng cùng bộ, ngành liên quan, các địa phương đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao những vấn đề mà công nhân, người lao động đặt ra tại buổi đối thoại. Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề rất đúng, rất trúng và cần được giải quyết.
Thủ tướng đề nghị: “Các bộ, ngành, các cơ quan cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động, rà soát lại chính sách, bổ sung sửa đổi cho hoàn thiện. Đặc biệt, chú trọng đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân lao động nói riêng”.
Thủ tướng mong muốn công nhân tiếp tục phát huy vai trò truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, để tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển đất nước.
“Những vấn đề được giải quyết kịp thời sẽ mang lại hiệu quả chung cho nhân dân trong đó có anh chị em công nhân. Những gì chưa làm được, các bộ, ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm, tiếp thu để làm tốt hơn. Thời gian tới đây, đáp ứng được nguyện vọng tâm tư của anh, chị, em công nhân về đời sống, công ăn việc làm, nâng cao trình độ được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh khi kết thúc buổi đối thoại.
Nguồn: thanhnien.vn