Sáng 17.7, tiếp tục phiên họp 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, theo quy định của luật Bảo hiểm y tế năm 2008, khi các tỉnh, thành phố có số thu bảo hiểm y tế lớn hơn số chi dành cho khám chữa bệnh thì 20% kinh phí dư này sẽ để lại cho địa phương để hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo và mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển.
Việc sử dụng 20% kinh phí dư sẽ được thực hiện từ 1.1.2015 đến 31.12.2020 nhưng các địa phương phải thanh toán trong vòng 12 tháng, kể từ khi có thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về các địa phương. Nếu trong 12 tháng không sử dụng hết thì phải nộp về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp vào quỹ dự phòng.
Tuy nhiên, tới nay, việc sử dụng 20% kinh phí kết dư từ năm 2015 vẫn còn “vướng” lại hơn 518 tỉ đồng mua trang thiết bị y tế của 11 trong tổng số 38 địa phương chưa thanh toán được, do quá thời hạn 12 tháng theo quy định.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho 11 địa phương này được kéo dài thời hạn thanh toán tới tháng 6.2020, vì nếu thực hiện thu hồi theo quy định thì 11 địa phương sẽ phải bồi thường thiệt hại các hợp đồng đã ký kết, trong khi ngân sách địa phương lẫn quỹ Bảo hiểm y tế cũng không có khoản nào chi cho việc này.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách do Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban này đồng ý với đề nghị của Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
11 địa phương làm không tốt toàn tỉnh, thành lớn
Thảo luận sau đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, trước đây, các địa phương miền núi, dân tộc thiểu số chi không hết tiền thu bảo hiểm y tế, nên “khi đưa phần dư về Bảo hiểm xã hội dưới này” thì bà còn cảm thấy rất thiệt thòi. Vì vậy, đây là chủ trương đúng cần ủng hộ để tạo điều kiện cho tỉnh khó khăn.
|
“Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện theo quy định của luật nên việc thanh toán không đảm bảo thời gian 1 năm. Vì vậy, tôi cho rằng, cần tạo điều kiện ủng hộ các địa phương thanh toán việc mua trang thiết bị và phương tiện vận chuyển cho bệnh nhân. Còn thẩm quyền của Quốc hội thì đề nghị báo cáo Quốc hội”, ông Chiến nói.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, 11 tỉnh chưa thực hiện thanh toán đúng thời hạn theo quy định theo báo cáo của Chính phủ đều là các tỉnh, thành phố lớn, chủ động về ngân sách, như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Nai, Lai Châu, Lạng Sơn, Long An, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tuyên Quang.
“Nếu là các tỉnh miền núi, khó khăn thì tôi ủng hộ ngay, còn các tỉnh này rất có điều kiện, tự chủ ngân sách lại xảy ra vấn đề này”, ông Phúc nói, và đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này.
Làm rõ trách nhiệm, phê bình nghiêm khắc
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 38 tỉnh nhưng chỉ có 11 tỉnh làm không tốt, bây giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại phải đi giải quyết cho 11 tỉnh làm không tốt, là không nghiêm.
Đồng tình việc trình vấn đề này ra Quốc hội quyết định vì đây là vấn đề liên quan tới ngành y tế, liên quan tới chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong tờ trình phải làm rõ và nghiêm khắc phê bình những địa phương làm không đúng, cũng như trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế.
“Để người làm tốt cũng thế, không tốt cũng thế, rồi đưa ra Quốc hội trình. Ai chịu trách nhiệm việc này?”, bà Ngân gay gắt.
Tiếp đó, dù phiên họp về vấn đề này đã kết thúc, song trong kết luận bế mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Ngân vẫn tiếp tục nhắc lại vấn đề này.
“Dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình ra Quốc hội nhưng tôi vẫn ấm ức, nên tôi phải nói để đừng tạo tiền lệ xấu. Thực hiện luật không nghiêm, không đúng rồi cuối cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải vì sức khỏe của người dân mà phải đồng ý trình ra Quốc hội”, bà Ngân nói.
Nguồn: thanhnien.vn