Thông tin này được thượng tá Ngô Thuận Lăng – phó trưởng Phòng cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM) – nêu tại hội nghị chuyên đề giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM chủ trì ngày 30-7.
Khó xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Lý giải bất cập, thượng tá Ngô Thuận Lăng cho biết theo quy định của Bộ luật Hình sự, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, bắt buộc người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi trốn đóng, sau đó mới đủ căn cứ xử lý hình sự.
Do đó cơ quan Bảo hiểm xã hội phải cung cấp được tài liệu thể hiện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp về hành vi trốn đóng nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh không đóng.
Quy định của pháp luật hiện hành phải chứng minh được người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng gian dối, hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ cho người lao động.
Tuy nhiên, cơ quan Bảo hiểm xã hội cho biết quá trình kiểm tra, xử lý chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đóng không đúng mức đóng theo quy định.
“Họ không đủ cơ sở để xác định rằng các hành vi đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng do không chứng minh được yếu tố cố ý hay có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác”, thượng tá Lăng nêu.
Cạnh đó, theo ông Lăng, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan bảo hiểm diễn ra đã lâu (có hồ sơ trước thời điểm năm 2017). Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp đã không còn hoạt động hoặc chuyển qua địa phương khác.
Có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản để tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.
Quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội cần làm việc, xác minh với nhiều người, nhiều tài liệu. Nên thời gian giải quyết các kiến nghị khởi tố thường kéo dài.
Luật mới có hiệu lực, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý
Ông Nguyễn Quốc Thanh – phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết khó khăn trong việc xử lý doanh nghiệp vi phạm về bảo hiểm xã hội thời gian tới có thể được tháo gỡ khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1-7-2025) xác định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (điều 38 và 39 của luật này).
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, các trường hợp không đăng ký đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn quy định, không đóng hoặc đóng không đầy đủ trong thời hạn quy định… đều bị coi là hành vi trốn đóng.
Điều 40 và 41 của luật nói trên quy định các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bao gồm: bắt buộc đóng đủ khoản tiền chậm đóng, trốn đóng kèm khoản phạt chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo ông Thanh, trước đây chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên việc phát hiện, theo dõi doanh nghiệp vi phạm còn khó khăn, nhưng hiện các ngành đã phối hợp chia sẻ dữ liệu. Chẳng hạn doanh nghiệp kê khai thuế nhưng không đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế sẽ chia sẻ dữ liệu để bảo hiểm xã hội rà soát, kiểm tra.
Công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn, mưa dầm thấm lâu để người lao động hiểu rằng bảo hiểm xã hội là quyền lợi thiết thân của họ, gắn với họ suốt đời. Như vậy doanh nghiệp sẽ không dễ dàng vi phạm được nữa.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội TP.HCM đến hết tháng 6-2024, TP.HCM có khoảng 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Số thu toàn thành phố hơn 43.031 tỉ đồng.
Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế khoảng 6.871 tỉ đồng. Trong đó khoảng 17.000 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên.
Nguồn: tuoitre.vn