Sáng 18.8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Cân nhắc đối tượng “người chuẩn bị kết hôn”
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Liên, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: “Tôi rất băn khoăn với Điểm b, Khoản 1, Điều 30 của dự thảo về việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Ở đây có nói đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV là vợ, chồng và người chuẩn bị kết hôn. Cần cân nhắc việc đưa “người chuẩn bị kết hôn” vào vì khái niệm về đối tượng này rất mông lung, chưa được quy định nào giải thích, và chúng ta vẫn còn thận trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân của người nhiễm HIV”.
|
Theo bà Liên, việc “chuẩn bị kết hôn” chỉ mới là ý định, có tình cảm chứ chưa chắc là quan hệ tình dục. Đồng thời, người nhiễm HIV cũng chưa biết liệu đối phương mà mình muốn kết hôn có ý định nghiêm túc kết hôn với mình không. Vì vậy, trong trường hợp này mà thực hiện thông báo sẽ có nhiều rủi ro, nhạy cảm, có thể thông tin sai lệch.
Về các đối tượng ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông và phòng, chống HIV/AIDS được quy định tại khoản 2, Điều 11 của dự thảo, các đại biểu cho rằng cần tính toán đến thứ tự ưu tiên, đồng thời bổ sung, cân nhắc các đối tượng để tiết kiệm được kinh phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cao.
Bà Cao Ngọc Nga, đại diện Đại học Y dược TP.HCM, cho hay cần đưa đối tượng tiếp cận thông tin là người có quan hệ tình dục đồng giới nam lên vị trí ưu tiên thứ hai. Đồng thời, bà lưu ý, Bộ GD-ĐT cần nâng cao việc giáo dục công dân trong công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS.
|
Đưa BHYT vào nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS
Bên cạnh đó, về vấn đề nguồn lực hỗ trợ cho phòng chống HIV/AIDS tại Điều 43, các đại biểu đồng tình việc đưa thẳng vào luật rằng bảo hiểm y tế (BHYT) là nguồn lực chi trả. “Để đảm bảo cho công tác phòng chống HIV/AIDS bền vững, tôi khuyến nghị bổ sung thêm nguồn lực là quỹ BHYT chi trả thay vì chỉ để là nguồn kinh phí hợp pháp khác”, ông Đồng Văn Ngọc, đại diện Sở Y tế, cho biết.
|
Bà Phạm Thị Thanh Mẫn, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, cho rằng tại Khoản 1, Điều 35 quy định về phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cần làm rõ việc đối tượng phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí, nếu có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 100%.
Riêng bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, khuyến nghị bổ sung và làm rõ định nghĩa về tải lượng vi rút HIV thấp (tức K=K, Không phát hiện = Không lây truyền, người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục – NV) vào Điều 4 quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV.
“Điều này đảm bảo quyền lợi của người nhiễm HIV để phù hợp có thai hoặc lập gia đình hoặc chỉ là để cho họ một khung pháp lý. Cùng với đó, tại Điều 35, chúng tôi đề xuất thêm đối tượng tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí là đối tượng khám tiền hôn nhân, tiền mang thai. Để sau này khi có điều chỉnh về quy định hỗ trợ sinh sản thì cả nam và nữ nhiễm HIV có điều kiện tải lượng vi rút phù hợp thì cũng có thể thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dù hiện nay còn nhiều hạn chế. Đây là điều phù hợp với quyền lợi của họ”, bà Hiền nói và cho biết thêm: “Tương tự, tại Điều 39, tôi khuyến nghị phải đảm bảo đủ thuốc kháng HIV cho phụ nữ và trẻ sơ sinh trong mọi trường hợp. Vì vậy, việc chi trả miễn phí xét nghiệm, điều trị cho phụ nữ mang thai HIV phải được đảm bảo và làm đồng loạt”.
Ngoài ra, các đại biểu góp ý về việc làm rõ khái niệm xét nghiệm HIV tự nguyện, đồng thời đều đồng tình việc giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi.
Nguồn: thanhnien.vn