Sau 1 năm nghỉ làm tại công ty thứ 3, anh Bình muốn làm thủ tục rút BHXH một lần nhưng anh không biết mình có đủ điều kiện được hưởng chế độ này hay không.
Nguyên nhân là tại 2 công ty trước, anh Bình được đóng BHXH đàng hoàng. Nhưng sang doanh nghiệp thứ 3, công ty anh phá sản. Khó khăn hơn, công ty này chưa đóng BHXH cho anh trong suốt thời gian làm việc tại đây.
Tương tự anh Bình, chị Hoa cũng rơi vào cảnh chưa được doanh nghiệp đóng BHXH và chốt sổ dù đã nghỉ việc cả năm nay. Chị không biết mình có thể rút BHXH một lần hay không.
Trường hợp như anh Bình và chị Hoa không hiếm vì tình trạng khá phổ biến các doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH của người lao động hiện nay.
Chỉ riêng trên địa bàn TPHCM, hiện có đến 18.466 doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên (số liệu chậm đóng tính đến hết ngày 30/4, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 9/5).
Theo BHXH Việt Nam, việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH hiện áp dụng theo hướng dẫn tại Công văn số 1880/BHXH ngày 21/6/2023 của BHXH Việt Nam.
Mục I Công văn số 1880/BHXH quy định, các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH bao gồm: Đơn vị đang làm thủ tục phá sản; đơn vị đã có quyết định phá sản của Tòa án; đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật.
Người lao động tại các đơn vị rơi vào 4 trường hợp trên sẽ được cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH, trong đó có chế độ hưởng BHXH một lần nếu người lao động có yêu cầu và đủ điều kiện.
Việc giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần được hướng dẫn chi tiết tại Điểm 2.2 Điều 2 Mục III Công văn số 1880/BHXH.
Theo đó, trường hợp người lao động chưa đủ 20 năm đóng BHXH (bao gồm cả thời gian tham gia BHXH nhưng doanh nghiệp chưa đóng tiền) sau 1 năm nghỉ việc, không tham gia BHXH có nhu cầu sẽ được giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian thực đóng BHXH (đóng tới đâu, chốt sổ BHXH tới đó).
Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù (bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác) thì cơ quan BHXH ghi nhận và bảo lưu toàn bộ thời gian đóng bổ sung.
Trường hợp người lao động tiếp tục tham gia BHXH thì thời gian đóng bổ sung nêu trên được cộng nối với thời gian tiếp tục tham gia BHXH sau này để tính hưởng chế độ BHXH.
Trường hợp người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần cho thời gian đóng bổ sung thì cơ quan BHXH tính toán lại để chi trả bổ sung cho người lao động.
CÁCH TÍNH TIỀN CHI TRẢ BỔ SUNG
Cơ quan BHXH tính gộp thời gian đã giải quyết trước đó với thời gian đóng bổ sung để xác định lại mức hưởng mới, chi trả bổ sung cho người lao động.
Ví dụ:
Ông Nguyễn Văn A có thời gian tham gia BHXH từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2019 là 3 năm 10 tháng; trong đó đơn vị đã đóng BHXH cho ông A từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2018, thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 đơn vị chưa đóng BHXH.
Giả sử tháng 6/2021 ông A đề nghị hưởng BHXH một lần với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 6.000.000 đồng.
Cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần cho ông A với thời gian đã thực đóng vào quỹ BHXH từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2018 là 2 năm 7 tháng.
Mức hưởng BHXH một lần của ông A tại thời điểm tháng 6/2021 là:
6.000.000 đồng x 3 năm (làm tròn 2 năm 7 tháng) x 2 tháng = 36.000.000 đồng.
Giả sử tháng 8/2023 ông A được đóng BHXH bổ sung cho thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 và đề nghị cơ quan BHXH giải quyết BHXH một lần cho thời gian được đóng bổ sung.
Cơ quan BHXH giải quyết như sau:
– Tổng thời gian đóng BHXH của ông A là 3 năm 10 tháng, được làm tròn thành 4 năm.
– Giả sử mức bình quân tiền lương tháng tính lại tại thời điểm tháng 8/2023 là 7.000.000 đồng.
– Tổng mức hưởng BHXH một lần sau khi tính lại là:
7.000.000 đồng x 4 năm x 2 tháng = 56.000.000 đồng.
– Số tiền ông A đã hưởng được tính lại là:
7.000.000 đồng x 3 năm x 2 tháng = 42.000.000 đồng.
– Số tiền ông A được điều chỉnh hưởng bổ sung là:
56.000.000 đồng – 42.000.000 đồng = 14.000.000 đồng.
(Nguồn: Tiết đ Điểm 2.2 Điều 2 Mục III Công văn số 1880/BHXH)
Nguồn: dantri.com.vn