Theo lời ông H., hầu hết người Bình Thuận “có điều kiện” đều về TP.HCM để khám, chữa bệnh. Nhưng ngay những người dân không có điều kiện để khám, chữa bệnh trái tuyến như ông H. và cũng không chỉ người dân ở Bình Thuận, rất nhiều người dân các tỉnh, thành phía nam khi có bệnh đều muốn tới những bệnh viện lớn ở tuyến cuối như Chợ Rẫy.
Đại biểu (ĐB) Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan, nhìn nhận người bệnh luôn có nhu cầu lên tuyến trên với bác sĩ giỏi hơn, thuốc được thanh toán BHYT cũng “xịn” hơn; còn bệnh viện tuyến dưới thì muốn giữ bệnh nhân vì theo quy định và vì cả nguồn thu. Chính sự “xung đột lợi ích” này là nguồn cơn sinh ra mâu thuẫn, bức xúc và cả sự mệt mỏi mà các bệnh nhân “trăm dâu đổ đầu tằm” đang dồn vào tờ giấy chuyển viện.
Bỏ giấy chuyển viện chắc chắn không phải là cách giải quyết. Song nhu cầu của người dân khi đã mua BHYT có thể được khám ở bất cứ cơ sở y tế nào mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính, không bị làm khó, làm dễ hay không cần phải vận dụng các mối quan hệ để có được tờ giấy chuyển viện lên tuyến trên cũng là nhu cầu rất chính đáng. Như cách so sánh của Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) Nguyễn Tri Thức, một sinh viên đăng ký BHYT tại Hà Nội, tới hè về quê tại Thanh Hóa thì mắc bệnh đi khám lại bị xem trái tuyến là “rất bất hợp lý và không đảm bảo quyền lợi của người bệnh”.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, cách giải quyết căn cơ cho nỗi bức xúc giấy chuyển viện là phải đầu tư cho y tế cơ sở. “Nó tốt tự khắc người bệnh sẽ tìm tới khám. Một đồn mười, mười đồn trăm. Và người ta cũng không muốn lên tuyến trên làm gì cả khi tuyến dưới tốt rồi”, bà Lan nói.
Đây cũng là điều được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh nhiều lần khi giải trình về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT tại kỳ họp 8 của Quốc hội. Theo Bộ trưởng Y tế, ngoài các chính sách tạo thuận lợi cho người dân được đi cứu chữa kịp thời, cần có chính sách để ngay những bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng phải đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, “để người dân đi viện ngay tại địa phương chứ không phải là đi về tận Hà Nội hay về TP.HCM mới khám, chữa bệnh được”.
Bác sĩ cũng muốn lên tuyến trên
Trong mô hình về hệ thống y tế mà VN đang học hỏi để hướng tới, y tế cơ sở hay cấp khám chữa bệnh ban đầu đóng vai trò nền tảng của hệ thống y tế. Y tế cơ sở, bác sĩ gia đình được coi là “điểm liên lạc đầu tiên” trong hoạt động phòng, chống bệnh tật cũng như các vấn đề liên quan sức khỏe.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu khi nói về những bài học từ siêu bão Yagi đã dẫn chứng tỉnh Lào Cai là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão, nhưng nhờ đầu tư tốt cho y tế tuyến huyện, có sự kết nối thường xuyên với y tế T.Ư nên đã cứu được nhiều nạn nhân của siêu bão. Chỉ những ca thật phức tạp, sau khi sơ cứu ổn định mới chuyển về các bệnh viện tuyến trên như Việt Đức, Bạch Mai. Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, đây là bài học về phát triển y tế cơ sở và cần nhân rộng mô hình như Lào Cai để nâng cao sức khỏe người dân.
Nhưng mô hình ông Nguyễn Lân Hiếu nói tới là mô hình lý tưởng. Bà Phạm Khánh Phong Lan nói y tế cơ sở hiện đang bị hạn chế đủ thứ: Đầu tư ít ỏi, cơ sở vật chất, máy móc thiếu thốn. Bác sĩ, nhân viên y tế thì “chuột chạy cùng sào” mới về tuyến dưới làm. Người giỏi không về vì thu nhập thấp, không có cơ hội tiếp xúc bệnh nhân, nâng cao tay nghề. Chưa kể, danh mục thuốc được BHYT thanh toán cũng được “phân tuyến”. “Những thuốc đặc trị, giá trị cao là sẽ bay lên tuyến trên”, bà Lan nói, cho rằng thực tế này không chỉ khiến bệnh nhân mà cả y bác sĩ cũng muốn lên tuyến trên.
“Bây giờ Nhà nước phải đầu tư cho y tế cơ sở. Ví dụ, Nhà nước có thể trả một phụ cấp đặc biệt cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở y tế cơ sở, ở những trạm y tế để thu hút người giỏi về được không? Rồi mình không giới hạn số thuốc, không chỉ phát cho bệnh nhân tuyến cơ sở mấy viên vitamin có được không?…”, bà Lan nêu vấn đề. Cùng đó, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị phải phát triển mạnh hơn mạng lưới bác sĩ gia đình, đặc biệt là tại các thành phố lớn. “Khi có bác sĩ gia đình phụ trách thì người dân bị những bệnh thông thường chả ai dại gì lên tuyến trên. Và những cái đó phải được chi trả bằng BHYT”, bà Lan nhấn mạnh.
Cùng với bác sĩ gia đình, nhiều chuyên gia và ĐB Quốc hội cũng cho rằng để y tế cơ sở phát triển và làm đúng vai trò của mình, giải quyết “bài toán” bức xúc giấy chuyển viện, cần sự tham gia nhiều hơn của tư nhân. ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị cần đa dạng hóa các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở. Theo bà, cần sớm có quy định cụ thể để cơ sở cung ứng dịch vụ y tế được tham gia hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, như trung tâm chẩn đoán hình ảnh, nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm, cấp cứu, vận chuyển người bệnh, nhất là ở các tuyến ban đầu và cơ sở.
Nguồn: thanhnien.vn