Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) và Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy
GIA HÂN
Theo đó, các giải pháp đưa ra đều đang hướng đến kéo dài độ tuổi lao động, tăng thu, giảm chi nhưng lại giảm mức lương hưu của người lao động được hưởng. Từ năm 2018 đã điều chỉnh cách tính tỷ lệ được hưởng lương hưu tối đa là 75% của người lao động; nữ từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm.
“Quy định này đang kéo giảm mức lương hưu của người lao động, làm giảm động lực thu hút người lao động ở lại với hệ thống an sinh xã hội mà chúng ta đã dày công xây dựng”, bà Thúy nêu.
Do đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu tăng mức lương hưu được hưởng hàng tháng để thu hút người lao động tham gia ở lại hệ thống an sinh. Cụ thể, cứ tăng thêm mỗi năm đóng bảo hiểm thì sẽ tăng thêm 2,3% mức hưởng và mức tối đa không quá 79,5%.
Hiện nay, tỷ lệ lương hưu tối đa của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia khác, nhưng do căn cứ mức lương BHXH không cao, đa số chỉ đóng ở mức tối thiểu vùng dẫn đến việc hưởng lương hưu cũng rất thấp. Điều này dẫn đến mức lương của người lao động được hưởng không cao, khả năng thu hút người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm còn rất thấp.
Đặc biệt, bà Thúy đề nghị có chính sách hỗ trợ 100% chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo dành cho nhóm lao động tham gia suốt quá trình đóng BHXH để tăng tính hấp dẫn của chính quỹ này.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cũng băn khoăn, khoản 2 điều 68 dự thảo luật sửa đổi quy định “mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần mức lương bình quân đóng BHXH”.
Trong khi đó, mức hưởng một lần được tính bằng 1,5 tháng bình quân tiền tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014 và 2 tháng bình quân tiền đóng bảo hiểm cho những tháng đóng từ năm 2014 trở đi.
Thực tế, theo đại biểu Trân, tại Bình Dương cũng như cả nước hiện nay, số người hưởng lương hưu với tỷ lệ 75% rất ít, chủ yếu là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Vì thế, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%, bằng hai lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho những năm đóng BHXH cao hơn; thay vì 0,5 lần như luật BHXH 2014 và dự thảo luật BHXH sửa đổi.
Tranh luận với các ý kiến này, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng, quy định tỷ lệ tối đa 75% là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với tính chất của lương hưu. Thực tế hiện nay, Việt Nam đang nằm trong những nhóm có thể nói là tỷ lệ lương hưu khá cao.
Song theo ông, khi tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện để hưởng 75% lương hưu nhưng chưa đến tuổi để nghỉ hưu, thời gian còn lại mà vẫn tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện thì có một chính sách ưu đãi, khuyến khích.
Nêu quan điểm về độ tuổi trợ cấp xã hội với những người không được hưởng hưu trí, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) dẫn lại thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong 16,1 triệu người cao tuổi, chỉ có 5,1 triệu người cao tuổi có lương hưu và trợ cấp; 11 triệu người không có khoản thu nhập gì sau 60 tuổi.
Theo ông, không thể chỉ dừng lại ở mức độ 80 tuổi mới được trợ cấp xã hội. Điều này cũng không vi phạm luật Người cao tuổi 2009. Thời điểm ban hành luật, mới có 7 triệu người cao tuổi, GDP là 106 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người là 1.200 USD/người. Song đến nay đã có 16,1 triệu người cao tuổi, GDP tăng lên 400 tỉ.
“Rất nhiều người cao tuổi gửi tới T.Ư Hội Người cao tuổi đề nghị Quốc hội giảm tuổi trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi”, ông Cừ nêu.
Nguồn: thanhnien.vn