Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam), cho biết hiện nay người dân có thể thực hiện các thủ tục thanh toán trực tuyến (TTTT) trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), như: nộp BHXH tự nguyện, nộp BHYT theo hộ gia đình, đăng ký và cấp thẻ BHYT; và trong năm 2023 sẽ giải quyết chế độ hưởng BHXH 1 lần. Theo ông Phương, một trong những dịch vụ công được nhiều người dân quan tâm nhất là dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng, triển khai từ tháng 7.2022.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho hay theo quy định mới, người dân không còn sổ hộ khẩu. Để giảm trừ mức đóng BHYT, người tham gia ngoài việc kê khai chi tiết thông tin chủ hộ, sẽ phải kê khai đầy đủ thông tin số định danh cá nhân của tất cả thành viên trong hộ gia đình và gọi xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm căn cứ giảm trừ mức đóng. Việc phải nhớ và cung cấp đầy đủ định danh của tất cả người thân trong gia đình khiến người dân khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 7.2, hệ thống của BHXH Việt Nam mới chỉ tiếp nhận và gia hạn thành công cho 554 thẻ BHYT, thông qua dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng. Trong khi đó, cùng thời gian trên, dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên cổng dịch vụ công (không có giảm trừ mức đóng, người dân chỉ cần nhập mã thẻ BHYT để thực hiện gia hạn) đã có gần 31.000 giao dịch thành công.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng tới sự thuận tiện cho người dân, đại diện BHXH Việt Nam cho biết cơ quan này đang đề xuất người dân chỉ cần khai chủ hộ, cơ quan BHXH sẽ phối hợp Bộ Công an tra cứu cấp thẻ; đồng thời lấy thông tin hiển thị để tính toán mức đóng cho người dân cho phù hợp.
Cần đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ đã phối hợp Văn phòng Chính phủ (VPCP) tích hợp thanh toán điện tử với nền tảng TTTT của Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG), với 100% thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí của Bộ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc ở chỗ, việc thanh toán của Bộ GTVT được thực hiện thu qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước (KBNN), nhưng kho bạc chưa cung cấp tiện ích cho phép tra cứu thông tin giao dịch trực tuyến. Vì thế, cán bộ các đơn vị phải tới trực tiếp kho bạc để thực hiện đối soát thông tin giao dịch.
Một vấn đề cần giải quyết nữa, đó là người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện thanh toán nhưng sau nhiều ngày tiền vẫn chưa được chuyển về tài khoản của đơn vị thụ hưởng, không đáp ứng thời gian theo quy định. Thời gian xử lý lỗi của đơn vị trung gian thanh toán kể từ khi tiếp nhận thông tin chậm, làm ảnh hưởng tới thời gian hoàn thiện hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gây bức xúc cho người dân, DN.
Trong văn bản gửi VPCP liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT kiến nghị VPCP báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, KBNN cung cấp tiện ích tra cứu, theo dõi trực tuyến thông tin thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua tài khoản của KBNN; bổ sung chức năng cho phép thanh toán phí, lệ phí hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng tài khoản thanh toán của tổ chức, DN. Đối với các trung gian thanh toán có năng lực yếu, như có tỷ lệ hồ sơ thanh toán lỗi cao, thời gian xử lý lỗi kéo dài, Bộ GTVT đề nghị tạm dừng cung cấp dịch vụ trên nền tảng TTTT của CDVCQG.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP cho biết ghi nhận một số giao dịch chậm đến tài khoản KBNN do một số nguyên nhân như cơ quan khai báo sai tài khoản, việc hạch toán về kho bạc bị lỗi, do ngân hàng, trung gian thanh toán chậm chuyển tiền về tài khoản cơ quan thu.
Thanh toán trực tuyến giảm được rất nhiều phiền hà
Trả lời Thanh Niên, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quý Dương cho biết đơn vị này đang có 7 thủ tục hành chính (TTHC) kết nối với CDVCQG và 7 TTHC kết nối với Cổng dịch vụ công của Bộ NN-PTNT.
Các TTHC này đều được làm trực tuyến hoàn toàn, nhưng đối với những dịch vụ có thu tiền thì vẫn chỉ là giao dịch điện tử, chưa thể TTTT. Cụ thể, người dân, DN phải thực hiện thao tác chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng và sau đó gửi lại xác nhận cho đơn vị tiếp nhận, xử lý TTHC; dù không phải đi lại nhưng vẫn còn bất tiện khi chưa có công cụ TTTT tích hợp trên cổng dịch vụ công.
Ông Dương cho rằng để thuận lợi nhất cho người dân, DN, công cụ TTTT nên được tích hợp vào cổng dịch vụ công và có các phần mềm tự động tính toán. Người dân khi thực hiện các thủ tục, phần mềm này sẽ tính ra tiền cần nộp và có tài khoản ngân hàng liên thông để thực hiện thanh toán ngay, không cần đến thao tác chuyển khoản, gửi xác nhận nữa. Hiện nay, các cổng dịch vụ công chưa có công cụ TTTT tiện ích này.
Cũng theo ông Dương, thực tế hoạt động của ngành bảo vệ thực vật rất cần đến công cụ TTTT, bởi lượng giao dịch hằng năm rất lớn. Đơn cử như giải quyết TTHC liên quan đến xuất – nhập khẩu hàng hóa, trung bình mỗi năm có 400.000 – 500.000 lô hàng, mỗi lô hàng đều làm thủ tục riêng thì tương đương với 400.000 – 500.000 giao dịch sẽ cần đến TTTT. Đặc biệt, có những chi cục bảo vệ thực vật ở các cửa khẩu phải xử lý số lượng lô hàng, giao dịch rất lớn; nếu thu, nộp tiền mặt như cách làm truyền thống thì phải cần 7 cán bộ nhưng chỉ ngồi thu tiền.
“Có công cụ TTTT trên cổng dịch vụ công sẽ giảm được rất nhiều thời gian xử lý các giao dịch, giảm phiền hà, rất thuận tiện cho người dân, DN và cũng giúp giảm áp lực, cường độ công việc cho cán bộ, công chức, sẽ tinh giản được nhân sự. Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần phải sớm có công cụ TTTT trên cổng dịch vụ công, để thuận lợi cho cả cơ quan nhà nước lẫn người dân, DN nhưng đến nay vẫn chưa có”, ông Dương nói.
Theo Bộ TT-TT, trong tháng 1.2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình, quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
CDVCQG đã có trên 338.000 tài khoản đăng ký; trên 7,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; đã có trên 736.000 lượt thực hiện các dịch vụ, tiện ích từ cổng; trên 1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; trên 644.000 giao dịch TTTT với số tiền hơn 279 tỉ đồng.
Tính từ khi khai trương vào tháng 12.2019 đến nay, CDVCQG đã cung cấp 4.377 dịch vụ công trực tuyến với hơn 4,3 triệu tài khoản đăng ký. CDVCQG đã thu hút hơn 1,1 tỉ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 161 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 10 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 8,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện. Đáng chú ý, có hơn 4,6 triệu giao dịch TTTT với số tiền hơn 3.830 tỉ đồng.
CDVCQG đang cung cấp 14 nhóm dịch vụ TTTT gồm 8 nhóm dịch vụ thanh toán dành cho người dân và 6 nhóm dịch vụ thanh toán đối với DN. Các nhóm dịch vụ TTTT dành cho người dân, gồm: thanh toán phí, lệ phí TTHC; khai và nộp thuế cá nhân; đóng BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình; nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; thanh toán viện phí; nộp tạm ứng án phí.
Với DN, nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến, gồm: thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; khai và nộp thuế DN; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; nộp tạm ứng án phí.
Nguồn: thanhnien.vn