Không yêu cầu thay đổi hình thức trả lương đã thỏa thuận
Sáng 29.7, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan chính sách BHXH.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị thắc mắc về chính sách điều chỉnh lương tối thiểu mới theo Nghị định 38/2022 của Chính phủ khi tại nghị định này không đề cập mức trả cao hơn ít nhất 7% đối với người lao động (NLĐ) đã qua đào tạo.
Đơn cử, Công ty TNHH Mol Logistics Transportation VN đặt câu hỏi: Nếu đơn vị và NLĐ không tồn tại bất kỳ thỏa thuận (như hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể) về việc tiền lương của NLĐ đã qua đào tạo phải cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp không cần thực hiện việc điều chỉnh tiền lương cho NLĐ nếu tiền lương hiện tại đã cao hơn mức tối thiểu vùng (tức không cần trả cao hơn 7%) từ 1.7.2022 có đúng không?
Phó giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Quốc Thanh cho biết, trước đây tại Nghị định 90/2019 của Chính phủ (nghị định này hết hiệu lực từ ngày 1.7.2022), công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề (tức có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học…) được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã quy định. Tuy nhiên với Nghị định 38/2022 có hiệu lực từ ngày 1.7.2022 thì nội dung trên không còn được quy định.
Điều đó đồng nghĩa đối với hợp đồng lao động đã thực hiện giao kết trước ngày 1.7.2022 mà đơn vị sử dụng lao động và NLĐ không có giao kết thỏa thuận khác thì tiếp tục thực hiện, không bắt buộc phải điều chỉnh bỏ mức 7%, khuyến khích đơn vị trả lương đúng quy định pháp luật và đảm bảo đời sống cho NLĐ.
Tình trạng đùn đẩy hồ sơ vẫn còn ?
Ngoài ra, tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp cũng bức xúc liên quan hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ theo Quyết định 08/2022 của Chính phủ. Đại diện Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Q.3) cho hay, đơn vị đã hoàn tất bước xác nhận BHXH và đang ở bước nộp trình UBND để được thẩm định, phê duyệt. Công ty có nhiều chi nhánh nhưng hợp đồng lao động đều ký với trụ sở chính và NLĐ tham gia BHXH tại TP.HCM, thế nên, công ty nộp hồ sơ về UBND nơi đặt trụ sở chính mà ở đây là UBND Q.3.
Tuy nhiên, theo đại diện công ty này, phía UBND Q.3 hướng dẫn NLĐ làm ở chi nhánh nào thì hồ sơ phải nộp về UBND nơi đặt chi nhánh đó. “Khi tôi nộp hồ sơ về địa phương theo hướng dẫn của UBND Q.3, thì hồ sơ bị từ chối với lý do “tại sao trước giờ mọi thứ đều đóng ở TP.HCM, báo cáo cũng ở TP.HCM nhưng khi hưởng chế độ thì lại quay về tỉnh để hưởng”. Nhưng vấn đề là họ không từ chối bằng văn bản mà chỉ không nhận hồ sơ. Tôi quay về báo lại cho UBND Q.3 thì được trả lời rằng nếu như các tỉnh kia từ chối bằng văn bản thì Q.3 mới giải quyết”, đại điện doanh nghiệp bức xúc và cho hay đã sắp hết thời gian để nộp hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà (ngày 15.8) trong khi đơn vị vẫn luẩn quẩn với các thủ tục, hồ sơ…
Phó giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Quốc Thanh cũng nêu đây là trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH TP.HCM, đề nghị doanh nghiệp trao đổi với UBND Q.3 để được hướng dẫn.
Trước đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ. Trong đó nêu, người sử dụng lao động tổng hợp và gửi hồ sơ đến UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: thanhnien.vn