Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu nhiều kiến nghị liên quan tới quyền lợi của người lao động.
Hoán đổi năm đóng bảo hiểm xã hội thế nào?
Về tuổi nghỉ hưu trí, Công đoàn đề nghị không trừ % hoặc trừ tối đa 1% tỉ lệ hưởng lương hưu đối với người chưa đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu.
Hiểu cách khác là mỗi năm đóng thêm bảo hiểm xã hội sẽ được tính trừ 1 tuổi nghỉ hưu sớm.
So với quy định hiện hành, người lao động được lợi hơn khi không bị trừ tỉ lệ 2% do nghỉ hưu trước tuổi.
Từ năm 2018, tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở nữ tăng từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm. Trường hợp nghỉ hưu nhưng chưa đủ tuổi đời theo quy định sẽ bị giảm trừ tỉ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (trừ 2%/năm nghỉ hưu trước tuổi).
Bộ luật Lao động 2019 nêu người lao động trong điều kiện bình thường tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và từ 55 lên 60 với nữ. Để tránh tăng sốc, từ năm 2021 mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, 4 tháng làm việc với nữ tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Công đoàn cho rằng cần có lộ trình để người đủ 15 tuổi trở lên, có lao động và tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội để tăng diện bao phủ an sinh, đồng thời nêu rõ trường hợp chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Nhiều đề xuất có lợi cho lao động khi sinh con
Với chế độ ốm đau, Công đoàn đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu tăng tuổi con khi bị ốm lên đến dưới 16 tuổi để bố mẹ hưởng trợ cấp ốm đau, phù hợp với quy định người dưới 16 tuổi là trẻ em (Luật Trẻ em).
Về chế độ thai sản, tổ chức Công đoàn đề nghị dùng chung cụm từ “người lao động”, tránh phân biệt giới tính.
Tiếp theo đó, dự luật có thể quy định lao động sinh con, mang thai hộ, nhận nuôi con dưới 6 tháng chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 3 tháng trong vòng 1 năm trước lúc sinh con hoặc nhận con nuôi để hưởng thai sản.
Công đoàn đề nghị tăng số lần khám thai tối thiểu 9 lần vì các bác sĩ thường hẹn tái khám sau 30 ngày. Trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong cơ sở khám chữa bệnh thì khám nhiều hơn 9 lần, đảm bảo sức khỏe thai nhi.
Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con được tăng số ngày nghỉ tối thiểu nếu vợ sinh đôi trở lên hoặc sinh con phải phẫu thuật. Số ngày nghỉ tăng lên thay vì chỉ 60 ngày để cha cùng gánh vác trách nhiệm chăm con.
Người mang thai hộ cần được tăng thời gian nghỉ thai sản từ lúc sinh tới khi giao trẻ từ 60 ngày lên 4 tháng để phục hồi sức khỏe.
Về mức hưởng thai sản, Công đoàn đề nghị nghiên cứu, áp dụng số tiền bằng 100% tiền lương bình quân tháng liền kề trước khi nghỉ việc để đảm bảo thu nhập, tương thích với các điều ước quốc tế.
Với bảo hiểm xã hội tự nguyện, tổ chức Công đoàn đề nghị tăng mức hỗ trợ khi con chết, chết lưu so với mức 2 triệu đồng trong dự thảo.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần. Nếu tính cụ thể, mức hỗ trợ trên chỉ bằng 40% chuẩn nghèo khu vực nông thôn hoặc 145.000 đồng/tuần, 600.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, Công đoàn còn nêu nhiều góp ý liên quan tới trợ cấp cho người nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc, quy định ngày nghỉ với người thực hiện biện pháp tránh thai đòi hỏi kỹ thuật cao như cấy que tránh thai…
Nguồn: tuoitre.vn