Nhưng đằng sau không ít hợp đồng bảo hiểm lại là những góc khuất đầy đen tối vì toan tính, lòng tham của con người để trục lợi hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng.
Và đó là lúc các điều tra viên bảo hiểm “ra tay” để vén lên những bức màn bí mật.
Một ngày, điều tra viên Nguyễn Văn Kháng được thẩm định viên đề nghị đi xác minh một trường hợp: khách hàng yêu cầu giải quyết bảo hiểm đứa con chết vì té sông.
Trong 12 năm làm điều tra viên bảo hiểm, anh Nguyễn Văn Kháng cho biết đây là một câu chuyện rất ly kỳ, kịch tính và cũng đầy mệt mỏi, một trong những vụ việc khó nhất.
Đứa bé “chết đuối”
Tóm tắt vụ việc như sau: khách hàng tên Tr. ở Kiên Giang là chủ hợp đồng mua bảo hiểm, khai con trai bị chết đuối và yêu cầu công ty chi trả bảo hiểm với số tiền lên đến hơn nửa tỉ đồng.
“Khách hàng mới tham gia bảo hiểm ba tháng, hợp đồng mệnh giá lớn trên 500 triệu đồng. Cái chết của cháu bé có nhiều mâu thuẫn, khi thì khai bé chết ở Kiên Giang, lúc lại nói bé chết tại Đồng Tháp. Vì có nhiều điểm nghi ngờ nên thẩm định viên yêu cầu điều tra viên đi xác minh” – anh Kháng kể.
Khi đi xác minh, điều tra viên mới hay cậu con trai tên Đ. thật ra là con của em trai ruột chị Tr.. Em trai chị Tr. tham gia đánh bạc nên ở tù. Sau khi ly dị, vợ của người em trai về Cần Thơ sống. Thời điểm đó bé Đ. mới 1-2 tuổi, chị Tr. nhận làm con nuôi, khai tên cha mẹ bé là tên vợ chồng mình. Khi mua bảo hiểm cho cả nhà, trong đó có bé Đ. thì bé mới học mẫu giáo. Vừa tham gia hợp đồng được ba tháng thì tới hè mẹ ruột xin bé Đ. về Cần Thơ nuôi và sau đó cho đi học lớp 1.
Mọi việc bắt đầu từ đây.
Chị Tr. về quê chồng ở Đồng Tháp, dựng một vụ việc và khai với công an bé về nhà nội chơi, vô tình lọt sông chết đuối và được cấp giấy báo tử. Tiếp đó, chị này đem về Kiên Giang làm giấy chứng tử rồi đắp một ngôi mộ đất nhỏ trong khu vườn của mình dựng hiện trường giả.
“Tính toán rất kỹ nhưng khách hàng vẫn để lộ khe hở. Đó là những mâu thuẫn khi khai với cơ quan bảo hiểm, khi thì khai bé chết ở Rạch Giá (Kiên Giang), lúc lại khai bé mất tại Đồng Tháp. Biên bản khai thời gian chết không đồng nhất, lúc ngày hôm trước lúc thì ngày hôm sau, chết ở Đồng Tháp ngày này còn tại Kiên Giang ngày khác. Khi làm hồ sơ, công ty yêu cầu bổ sung giấy tờ gì thì có cái đó ngay, từ biên bản hiện trường đến giấy báo tử ở Đồng Tháp cấp, giấy chứng tử của ủy ban xã bên Kiên Giang” – anh Kháng nói.
Tuy nhiên, khi đến Kiên Giang để xác minh thì điều tra viên thu thập được thông tin rất bất ngờ: từ công an, trạm y tế đến ủy ban đều xác nhận không có cháu nhỏ nào chết đuối tại khu vực ghi trong hồ sơ. Một phần sự thật đã bắt đầu hé mở. Vậy cháu bé đang ở đâu?
“Tôi dò hỏi tiếp một số thông tin thì được biết bé hiện sống cùng mẹ ở Cần Thơ, đang đi học lớp 1. Lập tức tôi lặn lội đến Cần Thơ ngay và gặp được cậu bé đang đi học” – anh Kháng kể.
Nấm mộ bên sông
Nhưng mẹ của cậu bé nói rằng bé không phải tên Đ. mà là L. và khẳng định anh Kháng nhận nhầm người. “Thì ra khi đưa bé về Cần Thơ, bé Đ. đã được đổi sang một cái tên khác – anh Kháng cho hay – Cái tên trước đây đã nằm trên giấy chứng tử được khai tử rồi.
Chủ hợp đồng rất khôn ngoan, dặn trước cô em dâu không được khai báo gì với công ty bảo hiểm nên mẹ bé không dám xác nhận bé Đ. đã được đổi tên”. Người mẹ nói đó là bé L. nhưng hình ảnh “bé L.” và hình ảnh bé Đ. giống như hai giọt nước.
Khi vào trường “bé L.” học, điều tra viên đã tiếp cận được giấy khai sinh của bé thì vỡ lẽ khai sinh của bé mới lập lúc 6 tuổi, tức thời điểm chuyển từ Kiên Giang về Cần Thơ. “Điều này chứng tỏ khi sinh bé không được làm giấy khai sinh. Như vậy phải quay về nơi đã cấp giấy chứng sinh cho bé” – điều tra viên suy luận.
Anh quay ngược trở lại Kiên Giang, nơi cấp giấy khai sinh, xin phép được xem giấy chứng sinh của đứa bé tên L..
“Thông thường khi cấp giấy khai sinh phải có giấy chứng sinh chứ chính quyền địa phương đời nào lại cấp giấy khai sinh mà không có giấy chứng sinh. Chúng tôi muốn hỏi địa phương căn cứ vào cái gì để cung cấp giấy khai sinh cho thằng bé 6 tuổi. Chính quyền địa phương biết có vấn đề, chỉ tiếp xúc điều tra viên lần đầu, lần sau tránh mặt. Cán bộ tư pháp thì từ chối với lý do: không có nghĩa vụ cấp giấy chứng sinh cho điều tra viên…” – anh Kháng kể.
Cánh cửa tưởng như đóng sập lại. Mọi hướng tiếp cận gần như đi vào ngõ cụt.
Nhận định chắc chắn bé Đ. còn sống và không hề có một tai nạn nào, anh em điều tra viên bảo hiểm về Kiên Giang thăm ngôi mộ mà khách hàng khai báo.
“Người dân xung quanh cho biết chỗ đó đúng là vườn nhà chị Tr. nhưng lâu rồi gia đình chị không ở đó. Hàng xóm cũng khẳng định không có chuyện ngôi mộ nào. Đó là gò đất và mới được đắp thêm. Người dân cũng khẳng định không có chuyện chở xác bé về qua sông vì nếu về đây, chỉ có mỗi cách phải qua sông này và dân đây ai cũng hay. Còn nếu có chuyện cháu bé chết thì dân quanh xóm biết hết nhưng ở đây chẳng nghe gì cả” – anh Kháng kể.
Còn những ai biết về bé Đ.?
Để trả lời câu hỏi đó, hai điều tra viên ra chợ nơi chị Tr. cho vay tiền để dò hỏi thông tin. Những manh mối có được rất mong manh nhưng cả hai điều tra viên vẫn kiên trì đi tìm lại những chỗ ngày xưa bé Đ. đã từng ở. Nhóm đã nắm được một thông tin rất quý: có một thời gian bé Đ. được giao cho một bảo mẫu già trông nom. Người này cho hay có biết chuyện bé Đ. đưa về Cần Thơ ở.
“Thì ra lúc chuẩn bị làm hồ sơ đòi bồi thường bảo hiểm cho cái “chết” của con trai nuôi, chị Tr. không cho bé đi học ở trường mầm non đó nữa, giống như đã mất, rồi gửi về cho bà bảo mẫu già trông một thời gian ngắn, sau đó trả về cho mẹ cháu ở Cần Thơ và đi học lớp 1 với một cái tên khác. Khách hàng tính toán đường đi nước bước rất kỹ, sắp xếp trước nhiều nước cờ.
Chính quyền địa phương do mối quan hệ nên cũng hỗ trợ cho khách hàng nhiều. Công ty cần giấy tờ gì, khách hàng có ngay giấy tờ đó. Công ty yêu cầu phải có biên bản hiện trường thì chị Tr. về Đồng Tháp làm biên bản hiện trường, có đầy đủ chữ ký” – anh Kháng kể lại.
Anh Kháng cho biết đại diện công ty sau đó có một buổi gặp riêng với khách hàng. “Chúng tôi đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh khách hàng sai thì cổ nói nếu không trả, cổ sẽ kiện ra tòa. Chúng tôi nghĩ rằng kiện ra tòa cũng là giải pháp tốt vì mọi thứ càng rõ ràng hơn. Chúng tôi nói cứng: giờ nếu chị cứ nói như vậy, chúng tôi sẽ nhờ cơ quan thứ ba khai quật mộ.
Nếu chị cam kết đó là sự thật, nếu đúng dưới đó có thi thể cháu bé, công ty sẵn sàng xin lỗi và chi trả. Nghe tới đây, sắc mặt chị này tái đi và bỗng dưng im lặng. Cuối cùng, khách hàng không dám thừa nhận việc làm của mình sai cũng không thừa nhận bé Đ. còn sống, mà chỉ nói tui thấy việc làm của tui không đúng pháp luật và làm đơn xin rút lại đơn yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm” – anh Kháng kể lại.
Lúc này, sau ba tháng mệt mỏi đấu trí với hàng chục lần đi xác minh dọc ngang các tỉnh miền Tây, vụ việc mới kết thúc. “Đây là một vụ rất khó, phức tạp nên mỗi lần đi xuống miền Tây, điều tra viên phải đi hai người để đảm bảo an toàn và hỗ trợ nhau” – anh Kháng cho hay.
__________
Kỳ tới: Vụ án “lật tàu, đoạt bảo hiểm”
Một người chồng Đài Loan đã tổ chức sát hại vợ mình, một phụ nữ trẻ người Việt, để chiếm đoạt 20 triệu Đài tệ bằng âm mưu vô cùng tinh vi.
Nguồn: tuoitre.vn