Mới đây nhiều khách hàng đã được Công ty bảo hiểm Manulife đồng ý hoàn tiền, sau khi khiếu nại và tố cáo đến công an về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ “Tâm an đầu tư” phân phối qua Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cảm thấy không hài lòng về việc phải ký vào “giấy im lặng” mới được trả lại tiền.
Video: Nhiều khách hàng được Manulife hứa trả lại tiền đã đóng
Khách hàng vẫn có thể báo công an nếu thấy bị lừa dối
Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận còn yêu cầu bên mua bảo hiểm sẽ chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc bất kỳ hành động nào chống lại công ty bảo hiểm này và các cấp quản lý, nhân viên của công ty.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán (thành viên Hội Luật gia Việt Nam) nhận định: ban đầu hợp đồng bảo hiểm là một thỏa thuận dân sự, tuân theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật chuyên ngành.
Tuy nhiên nếu trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, có xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến lừa dối, chiếm đoạt tài sản, và khách hàng có bằng chứng chứng minh đã bị lừa dối, thì khách hàng có quyền và trách nhiệm phải tố cáo đến cơ quan chức năng.
“Nói một cách dễ hiểu, nếu một người bị cướp tiền, sau đó kẻ cướp cảm thấy áy náy và trả lại tiền, thì việc trả lại tiền chỉ là hành vi nhằm khắc phục thiệt hại, chứ không phải làm hành vi phạm tội kia mất đi”, ông Đán nói.
Như vậy, khách hàng có quyền nhận lại tiền, đồng thời vẫn có quyền tố giác tới công an, khởi kiện ra tòa để được bồi thường tương xứng.
Việc ký vào “giấy im lặng” chỉ là thỏa thuận dân sự. Nếu cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu thì phải cung cấp, lên tiếng. Bên cạnh đó, cũng giống như cuộc giao dịch giữa hai người, người giao tiền nói người nhận phải giấu, giữ bí mật, nhưng nếu người nhận thấy mình bị lừa dối thì vẫn có thể báo công an.
Cơ hội lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán nhận định ngành bảo hiểm nhân thọ đang xảy ra khủng hoảng lớn về niềm tin. Khách hàng sẽ trở nên khó tính hơn, hạn chế tình trạng nhân nhượng các hành vi sai trái, cả nể mua bảo hiểm chỉ vì mối quan hệ với người bán.
Ông Đán cho biết do bị mất niềm tin nên gần đây không ít khách hàng đã quyết định hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng không phải ai cũng bị lừa dối, có những người bán bảo hiểm rất có tâm và có trình độ. Trong đợt khủng hoảng lần này, sẽ có không ít người rời bỏ, không bán bảo hiểm nhân thọ nữa. Đây là đợt thanh lọc tốt. Lúc bình yên thì vàng thau lẫn lộn, qua lửa mới dễ phân biệt.
Do đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ cần nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân, điều đầu tiên có thể làm là tổ chức đội ngũ nhân sự tại quầy và cả trên đường dây nóng để giải thích cặn kẽ về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng hiểu rõ.
TS Hồ Quốc Tuấn – giảng viên cao cấp, giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính và kế toán Đại học Bristol (Anh) – nhìn nhận để thị trường bảo hiểm nhân thọ lành mạnh và thân thiện với người dân, để lấy lại được hình ảnh, uy tín cho bảo hiểm nhân thọ, có ba mảng cần cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kiện toàn.
Đầu tiên, tăng cường giáo dục tài chính cho người dân, để họ có kiến thức cơ bản về các sản phẩm tài chính, sẽ tránh nhiều sai lầm đáng tiếc khi mua sản phẩm mình không cần.
Tiếp đến là đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung phải tương ứng với trình độ nguồn nhân lực.
Một vấn đề rất lớn trong những câu chuyện vừa qua là liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực không tương ứng.
“Có những bài viết nêu lên tình trạng có nhân viên bảo hiểm đào tạo có 3 ngày là được cấp chứng chỉ. Đào tạo 3 ngày để đi bán một sản phẩm có ảnh hưởng đến mấy chục năm cuộc đời của một khách hàng thì thật khó tin rằng chất lượng tư vấn sẽ ra sao”, ông Tuấn nhìn nhận.
Đồng thời cần có các cơ quan trung gian để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng tài chính, không chỉ bảo hiểm mà còn các sản phẩm tài chính hỗn hợp, một phần bảo hiểm, một phần đầu tư.
Nguồn: tuoitre.vn