Khi thấy được quyền lợi thiết thực và là một phần của an sinh xã hội, tự khắc họ sẽ không rút một lần, ngược lại tích cực tham gia.
Như Thanh Niên thông tin, trong hồ sơ đề nghị sửa luật BHXH mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra phương án người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay, còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Cần có chính sách BHXH phù hợp để người lao động an tâm |
Xuân Khánh |
Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết Bộ LĐ-TB-XH được Chính phủ giao chủ trì sửa luật BHXH. Phương án trên là một trong nhiều phương án do các chuyên gia trong tổ soạn thảo đề xuất. Ngoài phương án trên, các thành viên tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu và đề xuất một số phương án mới theo hướng ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
Đánh giá việc rút BHXH một lần là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động VN), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung luật BHXH nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện. Việc tăng quyền lợi cho NLĐ cũng là cách giữ họ ở lại với hệ thống BHXH. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này.
Giữ lại làm gì ?
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần. “Lãnh 8%, 14% đó giữ lại nhưng vấn đề là giữ lại làm gì? Nếu không may NLĐ mất trước tuổi hưu thì số tiền đó người nhà họ được lãnh thay hay không?”, BĐ Quoc Cai thắc mắc.
Chỉ nên tuyên truyền để NLĐ hiểu và không rút BHXH một lần chứ không nên tìm mọi cách để họ không rút được, như vậy sẽ làm cho NLĐ không phục.
(B.Đ)
Làm thế nào tiền đóng BHXH được bảo toàn giá trị khi tính lương hưu là quan trọng. Cách tính như hiện nay bình quân toàn bộ thời gian đóng là không hợp lý.
(Van Lam)
Hãy tập trung vào vấn đề trọng tâm mà NLĐ không mặn mà, đó là thời gian nghỉ hưu quá dài, đối với NLĐ làm trong cơ quan nhà nước thì không sao nhưng đối với NLĐ thì ở tuổi trên 50 các doanh nghiệp rất khó bố trí công việc phù hợp.
(Van Loc)
“14% cũng là tiền công sức của NLĐ, vì nếu không đóng bảo hiểm thì doanh nghiệp phải trả thêm khoản tiền này cùng với lương cho NLĐ. Nay đề xuất giữ lại phần này thật vô lý”, BĐ Hang Vinh không đồng tình.
Cùng quan điểm, BĐ Trung Quang viết: “Các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách hãy đặt mình vào hoàn cảnh của NLĐ, các vị nói thì hay lắm tiền đóng vào quỹ bao nhiêu phần trăm thì trả hết cho NLĐ, giữ lại để chia sẻ cho ai, nếu không đóng BHXH thì lương của NLĐ sẽ khác còn đóng BHXH thì mức lương cũng khác, tóm lại 22% này đều là tiền lương của NLĐ đóng hết”.
“Phải bổ sung và nói rõ nếu NLĐ mất đi mà chưa lãnh BHXH thì chi trả đúng, đủ số tiền 22% mà NLĐ, doanh nghiệp đã đóng đó cho người nhà của họ thì sẽ chẳng phải lo họ rút bảo hiểm một lần”, BĐ Ca Phao góp ý.
BĐ Vy Nguyen thẳng thắn: “Tiền là do NLĐ và người sử dụng lao động đóng nên để NLĐ tùy theo hoàn cảnh của họ mà tự quyết định rút một lần hay hưởng lương hưu”.
Cần chính sách hợp lý hơn
Nhiều ý kiến cho rằng cách tính hưởng chế độ BHXH hiện nay khiến người lao động cảm thấy thiệt thòi. Chính vì vậy, muốn giữ chân họ thì cần nhìn thẳng vào vấn đề để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. “Việc NLĐ vẫn sẽ chọn rút BHXH một lần bất kể có thay đổi gì trong chính sách là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, để giữ chân họ, ngoài chính sách thay đổi theo hướng phù hợp thực tế thì cũng cần xây dựng niềm tin vào đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ. Có như vậy thì họ mới an tâm tham gia”, BĐ Trần Hòa góp ý.
Còn BĐ Thanh Hai cho rằng mấu chốt của vấn đề không phải đóng bao nhiêu năm thì được hưởng chế độ BHXH mà là đóng bao nhiêu năm để không bị trừ phần trăm tiền hưu trí khi nghỉ hưu sớm. “Đây là cái gốc của vấn đề nhưng không chịu sửa mà chỉ đi sửa phần ngọn. Các ông cứ né như vầy cho dù có chỉnh xuống 10 năm thì NLĐ vẫn rút khi đã đóng được 9 năm, còn lãnh 8% khi rút một lần đó là đề xuất vô lý, tiền của NLĐ thì phải trả lại cho họ”.
“Nên quy định tuổi nghỉ hưu đối với từng đối tượng lao động khác nhau. Ví dụ: Cán bộ công chức, viên chức nhà nước thì 60 tuổi. Công nhân lao động chân tay làm việc ngoài khu vực nhà nước là 50 tuổi. Tham gia đủ 15 năm BHXH được hưởng 45%. Mỗi năm đóng tiếp theo được hưởng thêm 1%. NLĐ đủ tuổi hưu mà thiếu năm đóng BHXH thì cho đóng một lần để được hưởng BHXH… Đó mới là an sinh. Chứ đọc dự thảo luật tôi thấy chưa ổn. Rút 8% thì NLĐ vẫn rút vì họ đang gặp khó khăn thật sự. Làm như vậy không phải là giải pháp mà làm hạn chế quyền lợi của NLĐ. Cần nghiên cứu lại”, BĐ Truong Dinh góp ý.
“Lãi suất tiền gửi vào phải bằng ngân hàng để sau đó cộng dồn vào tiền gửi của NLĐ, cộng thêm mức trượt giá nữa, khi về hưu NLĐ có quyền chọn nhận BHXH một lần hoặc từng tháng, vẫn có BHYT dù rút theo phương thức nào. Ngoài ra, nên có thêm lựa chọn không hưởng lương hưu nhưng được vào viện dưỡng lão miễn phí trọn đời khi nào người về hưu muốn…”, BĐ Hữu Tài đề xuất.
Nguồn: thanhnien.vn