Ngày 14-6, Thường trực HĐND TP.HCM có phiên giải trình công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP.
Đảm bảo quyền lợi BHYT cho người bệnh
Ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết nhiều năm qua ngành y tế TP không chỉ đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu người dân đang sinh sống trên địa bàn, mà còn tiếp nhận hàng triệu người bệnh từ các địa phương khác và cả nước ngoài.
Với số lượng cơ sở khám chữa bệnh rộng khắp và số lượt khám chữa bệnh tăng cao liên tục, việc cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị thật sự là thách thức lớn của TP.
Đại biểu đặt câu hỏi về việc người bệnh phải bỏ tiền túi ra ngoài mua thuốc bảo hiểm y tế có được bảo hiểm y tế chi trả?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết hiện nay chưa có quy định thanh toán trả lại cho người bệnh, Bộ Y tế đang dự thảo thông tư đảm bảo quyền lợi của người bệnh.
Hiện ngành BHXH TP đang góp ý, nếu đề xuất để bảo hiểm thanh toán lại sẽ trái với luật khám chữa bệnh, do cung ứng thuốc cho bệnh nhân thuộc cơ sở khám chữa bệnh.
Cũng theo bà Hằng, thời gian qua nguồn cung ứng thuốc bị gián đoạn do thiếu nguồn cung, thông tư, đấu thầu về thuốc chậm một số mặt hàng sẽ thiếu, không mua được…
BHXH TP.HCM đã đề xuất giải pháp phải mở rộng đấu thầu tập trung cấp địa phương để bệnh viện nào thiếu thuốc sẽ được bệnh viện khác điều tiết qua lại.
Nếu để theo cơ số đấu thầu thuốc riêng, lẻ như hiện nay, bệnh viện nào hết nếu mua sắm không kịp dẫn đến thiếu thuốc.
Ngoài ra, bệnh viện phải dự trù được cơ số thuốc, lượng thuốc trong 3 – 6 tháng để tổ chức đấu thầu.
“Dự thảo về thanh toán lại tiền mới đây của Bộ Y tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: người bệnh nghèo phải đợi làm thủ tục đến cơ quan bảo hiểm thanh toán, nhân lực BHXH phải thẩm định từng toa thuốc, vất vả người bệnh…”, bà Hằng nói.
Khó quản lý thuốc trên không gian mạng
Tại phiên giải trình, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đặt vấn đề việc quản lý quảng cáo thuốc trên không gian mạng.
Giải trình nội dung này, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi cho biết hiện nay có 22 triệu tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó tài khoản Zalo chiếm 16 triệu.
Đa phần tài khoản đều xuyên biên giới, các dữ liệu nằm ở nước ngoài nên việc quản lý thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các dữ liệu quốc gia để định danh tài khoản sở thông tin và truyền thông các tỉnh/thành không được cung cấp.
Theo ông Hồi, việc quảng cáo trên không gian mạng hiện nay biến tấu rất nhiều hình thức, không chỉ là chèn quảng cáo mà hình thành hẳn các video clip tiểu phẩm gắn với nội dung quảng cáo; thậm chí có nhiều hình thức cắt ghép từ thông tin của các cơ quan báo chí chính thống để tạo niềm tin cho người dân…
Do đó, việc rà soát và phát hiện các quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng cực kỳ khó khăn.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông quản lý và xử lý theo nghị định 72 về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng nhìn nhận việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội hiện nay còn tràn lan, sai sự thật.
Việc kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng; kiểm nghiệm thực phẩm chức năng có chứa dược liệu còn nhiều khó khăn; tỉ lệ thực phẩm chức năng vi phạm về chất lượng hằng năm còn cao (7-8%/tổng số mẫu được kiểm tra)…
Qua đó, bà Lệ đề nghị UBND TP trên cơ sở thực tiễn, đánh giá, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương kịp thời tháo gỡ.
Thuốc đầu tay cho người bệnh cũng khan hiếm
Tại phiên giải trình, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết – giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) – cho biết ngoài thuốc hiếm khó tiếp cận được, hiện nay thuốc rẻ cũng khan hiếm.
Nguyên nhân là do quá rẻ nên các công ty nhập về không có lợi nhuận cao, như thuốc cao huyết áp cho bà bầu.
Đây là những “thuốc đầu tay”, bệnh viện bắt buộc phải sử dụng thuốc khác đắt hơn, do đó cần phải có cơ chế, chính sách.
Nguồn: tuoitre.vn