Không đồng tình tăng thu bảo hiểm xã hội“Luật không phù hợp nghị quyết trung ương thì căng quá!”Không cần tăng tuổi nghỉ hưu, nếu quản lý tốt
Để có thêm nhiều góc nhìn xoay quanh những đề xuất mới “động chạm” lớn đến an sinh xã hội, Tuổi Trẻ trao đổi với những người tới đây sẽ bấm nút quyết định các chính sách này và các nhà quản lý.
Ảnh: V.Dũng* Đại biểuTRẦN THANH HẢI (phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động VN):
Phần thiệt tiếp tục thuộc về người lao động
Lần này có nhiều thay đổi tốt nhưng có những thay đổi gây băn khoăn giữa việc giải bài toán quỹ BHXH có vỡ hay không và việc khắc phục lo ngại này thì bây giờ trách nhiệm lại đổ lên đầu của người đóng BHXH. Tôi cho rằng đây là điều không công bằng trong việc giải quyết vấn đề này.
Một trong những vấn đề đó là luật hiện hành quy định 15 năm đóng BHXH thì được hưởng 45% tiền lương và cộng thêm mỗi năm tiếp theo được nhân hai, tính ra đối với nam chỉ 52 tuổi là đủ điều kiện hưởng 75% tiền lương. Trong khi đó, bây giờ thay đổi quy định theo hướng kéo lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, như vậy phần thiệt tiếp tục thuộc về người lao động. Tôi cho rằng với cách quy định này, ở một số điều kiện nhất định, người lao động sẽ chọn lĩnh chế độ BHXH một lần (thay vì lĩnh lương hưu hằng tháng).
* Đại biểuTRẦN DU LỊCH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Ảnh: T.L.T. |
Cách làm không ổn
Tôi hoan nghênh ban soạn thảo có sự lo lắng, nghĩ xa là vào năm 2034 có thể vỡ quỹ BHXH, phải nói là nhìn khá xa. Đồng thời có quan điểm tích cực là tiến tới số người lao động có BHXH ngày càng lớn là điều tiến bộ.
Tuy nhiên, cách làm không ổn. Cần quay lại vấn đề có tính nền tảng là Bộ luật lao động đã sửa việc nghỉ hưu là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ. Bây giờ bàn việc vì vỡ quỹ bảo hiểm mà nâng tuổi hưu, dưới góc độ kinh tế học, là phiến diện. Khi tính toán nâng tuổi hưu là liên quan đến tỉ lệ thất nghiệp. Ở nước ta mỗi năm có khoảng 1 triệu người đến tuổi lao động và khoảng nửa triệu người chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa là mất chỗ làm cho người tới tuổi lao động. Chỗ này tôi chưa thấy lý giải gì cả.
Mặt khác, trong 10 năm qua tăng lương không kèm tăng năng suất, đặc biệt ở bộ máy quản lý nhà nước. Chúng ta muốn hưởng thụ sớm, giảm thời gian làm việc từ 48 giờ xuống còn 40 giờ/tuần, vừa muốn làm ít trong khi muốn hưởng lương nhiều. Chúng ta muốn hưởng thụ quá sớm, trong khi đó hiện chúng ta bắt doanh nghiệp đóng bảo hiểm với tỉ lệ cao, cộng với phí công đoàn nên doanh nghiệp không chịu nổi.
Do vậy, không thể sửa từ ngọn mà phải sửa chính sách BHXH từ gốc, phải làm rõ những vấn đề nói trên. Cần tính toán kỹ, chẳng hạn như đến năm 2020 cần tăng tuổi hưu của nữ bao nhiêu, của nam bao nhiêu và có ảnh hưởng thất nghiệp không, tác động đến những yếu tố nào. Còn bây giờ ngồi tính tăng tuổi hưu mỗi năm bốn tháng thì không giải quyết vấn đề gốc.
Ảnh: V.Dũng* Đại biểuNGUYỄN LÂM THÀNH (phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội):
Chưa phù hợp
Việc tính toán thay đổi chính sách, cách tính lương hưu phải bảo đảm duy trì được quyền lợi của người lao động, không bị thay đổi, không được thấp hơn so với trước kia. Đấy là nguyên tắc tối cao cần đảm bảo.
Với cách tính mới được đề xuất (mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHXH được tính trên toàn bộ thời gian đóng, thay vì như hiện nay là chỉ tính bình quân của mấy năm cuối trước khi nghỉ hưu) là chưa phù hợp. Ở một giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, thu nhập, tiền lương ổn định thì công thức tính theo đề xuất mới này có thể phù hợp. Theo cách tính mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của những người hưởng lương hưu. Cơ quan soạn thảo cần tính toán một phương án khác phù hợp hơn.
Còn về tuổi nghỉ hưu, Bộ luật lao động đã được Quốc hội thông qua ở điều 187 quy định rất rõ vấn đề này. Tôi nghĩ thời điểm này cũng không cần thiết phải đưa ra bàn việc thay đổi tuổi nghỉ hưu. Còn hiện nay để tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như dự thảo luật, tôi cho là không khả thi, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội vào thời điểm hiện nay.
Riêng đề xuất từ ngày 1-1-2018 mới áp dụng tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, theo tôi, cũng cần cân nhắc từ nhiều góc độ. Đề xuất mới này đưa ra nhiều khoản bổ sung để tính mức đóng BHXH, nên cần có lộ trình thực hiện. Vấn đề này đưa ra sẽ có khó khăn trong công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhưng tôi cho rằng cần đi từng bước sẽ phù hợp hơn. Làm như vậy thì doanh nghiệp sẽ theo kịp được yêu cầu mới này.
Ảnh: V.Dũng* Đại biểuBÙI SỸ LỢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội):
Lực lượng vũ trang sẽ rất thiệt
Tôi nghĩ có một số người đang nhầm lẫn nên mới bức xúc và hoang mang, chứ theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì tất cả những người đang đóng bảo hiểm hiện nay cho đến ngày luật mới có hiệu lực thi hành thì cách thức, công thức tính tiền lương hưu hoàn toàn không có gì thay đổi. Chỉ những người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực, dự kiến là 1-7-2015, và sau đó 20 năm, tức là đến năm 2035 nhận lương hưu, thì mới bắt đầu tính lương hưu theo cả quá trình. Tức là đến thời điểm đó tiền lương hưu được tính theo đúng tinh thần tính đúng, tính đủ. Cho nên nếu ai đó nói rằng tiền lương sẽ bị giảm ngay sau thời điểm 1-7-2015 là chưa chính xác.
Luật BHXH hiện hành quy định cán bộ, công chức hưởng lương hưu theo mức bình quân đóng của 5, 6, 7 hoặc 10 năm cuối cùng, nhưng khu vực ngoài nhà nước thì vẫn thực hiện mức lương hưu chia cho cả quá trình đóng BHXH. Ban soạn thảo đề nghị phương án sửa là lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức cũng phải tính lương hưu theo mức trung bình của cả quá trình đóng BHXH. Nếu tính như vậy lực lượng vũ trang sẽ rất thiệt, vì khi mới vào quân đội anh là binh nhì, thậm chí học viên quốc phòng đã được tham gia BHXH (lương thấp, mức đóng thấp), đến khi phấn đấu lên đại tướng (lương cao, mức đóng cao) mà tính cả quá trình thì lương hưu sẽ thấp.
* Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN: Giải pháp khả thi
– Hiện nay tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa ở VN là 75%, mức cao hơn so với các nước trong khu vực và quốc tế, tỉ lệ trung bình ở 30 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 60%. Bên cạnh đó, mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu ở khu vực nhà nước được tính theo số năm cuối trên mức lương cao nhất và khu vực ngoài nhà nước được tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH, gây ra sự bất bình đẳng giữa hai khu vực này. Những bất hợp lý trên nếu không được sửa đổi sẽ dẫn đến hệ quả là quỹ BHXH sẽ mất cân đối đóng – hưởng. Việc mở rộng diện tham gia BHXH nếu không thực hiện đồng thời với việc xử lý các bất hợp lý trong công thức tính lương hưu thì mất cân đối quỹ sẽ càng nặng nề hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Chúng tôi cho rằng để giải quyết bài toán về cân đối quỹ BHXH thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, cả về sửa đổi chính sách và kiện toàn công tác tổ chức thực hiện. Đề xuất kéo dài thời gian đóng góp bảo hiểm thông qua tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong các giải pháp về chính sách mà dự án Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra trình xin ý kiến Quốc hội lần này. * Thưa bộ trưởng, với đề xuất điều chỉnh thời gian đóng BHXH phải đủ 20 năm mới được hưởng 45% tiền lương bình quân đóng BHXH (thay vì hiện nay là 15 năm), nhiều lo lắng với cách tính mới này thì quyền lợi của người thụ hưởng sẽ giảm, chưa đảm bảo nguyên tắc an sinh xã hội phải ngày càng được cải thiện hơn? – Mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất hiện nay là 22% trong khi mức hưởng tối đa là 75% và việc tiếp tục tăng tỉ lệ đóng góp là không phù hợp trong bối cảnh các doanh nghiệp, người lao động còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc người lao động kéo dài thời gian đóng góp để duy trì mức hưởng lương hưu cao là giải pháp khả thi ở hiện tại. Còn tác động của việc điều chỉnh nói trên, theo quy định mới, để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, người lao động cần có thời gian đóng BHXH là 35 năm (thay vì 30 năm) đối với nam và 30 năm (thay vì 25 năm) đối với nữ. Như vậy sẽ khuyến khích người lao động kéo dài thời gian đóng BHXH để đạt mức hưởng tối đa. Theo số liệu thống kê của BHXH VN, từ năm 2010 đến nay có trên 70% số người hưởng lương hưu có trên 30 năm đóng bảo hiểm (đối với nam) và 25 năm (đối với nữ). Điều này cho thấy tác động của việc điều chỉnh trên chỉ ảnh hưởng tới dưới 30% số người không đủ số năm đóng góp để được hưởng mức tối đa. Tuy nhiên, luật sửa đổi lần này cũng đề xuất mở rộng diện đóng BHXH bắt buộc đối với hợp đồng lao động dưới ba tháng, khi đó người lao động có cơ hội tham gia loại bảo hiểm này sớm hơn; quy định tăng tuổi nghỉ hưu; hạn chế diện hưởng lương hưu trước tuổi. Bên cạnh đó, thực hiện quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ tiệm cận với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động. Khi đó, thời gian đóng BHXH của người lao động chắc chắn sẽ được kéo dài thêm, mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính hưởng BHXH cũng sẽ cao lên… Như vậy, việc thay đổi quy định về cách tính tỉ lệ lương hưu nêu trên sẽ ảnh hưởng không lớn đến người nghỉ hưu trước và sau thời điểm điều chỉnh của Luật BHXH (sửa đổi). |
Nguồn: tuoitre.vn