Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hết năm 2022, gần 28,42 triệu người chưa đóng bảo hiểm xã hội (chiếm tới 62% số người còn tuổi lao động). Trong khi đó, nghị quyết 28 trung ương về điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Các mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Cơ quan soạn thảo cũng dẫn số liệu từ cơ quan thuế năm 2020, khoảng 21,4 triệu người phát sinh tiền lương, tiền công. Tuy nhiên, số đóng bảo hiểm xã hội chỉ là 13,4 triệu người, chiếm 62,6%.
Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký, quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương vào nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Các nhóm này sẽ đóng với tỉ lệ 25% tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm, gồm 22% vào quỹ hưu trí tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau thai sản. Tiền đóng từ 500.000 – 9 triệu đồng/tháng, tương ứng 6 – 108 triệu đồng/năm. Hiện có khoảng 2/5 triệu hộ kinh doanh có đăng ký với cơ quan thuế song chưa thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất tương đương với mức đóng góp.
Bên cạnh đó, lao động làm việc linh hoạt thời gian cũng được đề xuất tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Căn cứ tiền lương, người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí tử tuất, còn doanh nghiệp đóng 14%. Đối với quỹ ốm đau thai sản, doanh nghiệp sẽ đóng 3%. Lao động nữ được hưởng lợi nhiều nhất vì ngoài hưu trí, tử tuất, họ còn được quỹ ốm đau thai sản bảo vệ khi sinh con.
Tiếp theo, nhóm 86.000 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trước đó đã có quyền lợi hưu trí, tử tuất, được đề xuất hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản. Chi phí phát sinh vào quỹ ốm đau thai sản ước khoảng 73 tỉ đồng/năm. Việc này vừa đáp ứng nguyện vọng của cử tri, vừa đảm bảo quan tâm của Nhà nước đến quyền lợi của nhóm này khi khối lượng công việc tại địa phương ngày càng lớn.
Ngoài ra, dự thảo cũng tính toán bổ sung chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất cho cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố. Ngân sách phát sinh đóng bảo hiểm xã hội khoảng 331 tỉ đồng/năm.
Tăng người tham gia, giảm gánh nặng ngân sách
Theo ông Nguyễn Duy Cường – vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cơ quan này sẽ nghiên cứu hướng dẫn chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp tự xem xét mức đóng phù hợp. Bởi có người quản lý doanh nghiệp song không hưởng lương, chỉ hưởng lợi tức nên có thu nhập phát sinh.
Vị này đánh giá nếu nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, độ phủ an sinh sẽ lớn, giảm áp lực cho ngân sách khi chi trợ cấp xã hội cho người già không có lương hưu sau này.
Trong khi đó, ông André Gama – giám đốc Chương trình an sinh xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam – bày tỏ diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn rất thấp (khoảng 3%) dù có những đầu tư đáng kể trong phát triển, mở rộng hệ thống. “Đây là một tỉ lệ rất nhỏ nếu chúng ta xem xét mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội 60% vào năm 2030 mà nghị quyết 28 của Đảng đề ra”, ông Gama nói.
Nhìn rộng ra thế giới, vị này đánh giá bảo hiểm xã hội tự nguyện thiếu hiệu quả và thiếu khả năng mở rộng diện bao phủ. Do vậy, ông đề xuất tập trung nỗ lực vào tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“Đây sẽ là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Đây cũng là con đường đã được chứng minh không chỉ bằng kinh nghiệm quốc tế mà cả kinh nghiệm trong nước. Chẳng hạn như việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể dựa trên sự tham gia bắt buộc và hỗ trợ của Chính phủ khi cần thiết”, ông André Gama nêu rõ.
Nguồn: tuoitre.vn