Luật Căn cước năm 2023 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1.7, thay thế luật Căn cước công dân, và từ thời điểm này Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước (TCC) cho người dân trên toàn quốc. Để tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, một số thông tin cần thiết sẽ được tích hợp vào TCC.
Tích hợp thông tin nào vào TCC?
Theo quy định tại điều 22 luật Căn cước, tích hợp thông tin vào TCC là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của TCC những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Cũng tại khoản 4 điều 22 luật Căn cước, người dân đề nghị tích hợp thông tin vào TCC khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại TCC.
Bộ Công an cho biết TCC được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chip điện tử. Ngoài ra, thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) – Công an TP.HCM cho biết qua nghiên cứu mẫu TCC của nhiều nước đã thực hiện tích hợp các thông tin khác của người dân vào thẻ này. Chẳng hạn ở Thụy Điển, TCC tích hợp thông tin sinh trắc học, chữ ký số và được sử dụng như hộ chiếu để đi lại trong khu vực châu Âu. Đối với Malaysia, TCC đóng vai trò là bằng lái xe, thẻ ATM, ví điện tử, thẻ chữ ký số PKI, thẻ thanh toán trong một số ứng dụng khác. Tại Ấn Độ, TCC tích hợp thông tin bằng lái xe, dùng để thanh toán dịch vụ giao thông công cộng… và được tích hợp với ứng dụng di động. Ở Tây Ban Nha, TCC tích hợp thông tin về giáo dục, giấy phép lái xe, thuế, bưu điện, thay thẻ cử tri…
Theo đó, luật Căn cước năm 2023 bổ sung quy định về việc tích hợp vào TCC một số thông tin được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước như: thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Từ ngày 1.7, làm thẻ căn cước buộc thu thập mống mắt
Tạo thuận lợi cho người dân
Đáng chú ý, theo khoản 3 điều 22 luật Căn cước 2023 thì việc sử dụng các thông tin tích hợp từ TCC có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác. Từ đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Trả lời PV Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng PC06 Công an TP.HCM, phân tích việc sử dụng TCC gắn chip đã được tích hợp thêm thông tin khác là phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nói trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý.
“Việc khai thác thông tin trong TCC được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được người dân đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng định danh quốc gia (VNeID); người dân có quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thông tin nào thì sẽ quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID”, thượng tá Hải nói.
Trong trường hợp người dân bị mất TCC mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì theo PC06 Công an TP.HCM, người dân có thể thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử.
Thượng tá Hải nói thêm việc tích hợp các thông tin, giấy tờ có lợi ích rất nhiều đối với người dân, bởi hiện tại công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp; điều này gây ra khó khăn nhất định trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Vì vậy, việc luật Căn cước mới bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào TCC là rất cần thiết. Thượng tá Hải nhấn mạnh TCC có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong TCC. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ có quy định chi tiết về việc tích hợp này.
Nguồn: thanhnien.vn