Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Thông tin tại họp báo Chính phủ ngày 4/7, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết giám sát thị trường bảo hiểm là chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Từ đầu năm, Bộ đã có kế hoạch thanh, kiểm tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm BIDV Metlife, Sun Life, MB Ageas và Prudential.
Sắp tới Bộ sẽ thanh, kiểm tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 đơn vị phi nhân thọ, tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bán qua ngân hàng, vừa qua tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái như ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa bảo hiểm với gửi tiết kiệm.
Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là dòng sản phẩm bán chạy trên thị trường hiện nay, đặc biệt là bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) gồm hai phần riêng biệt: phí bảo hiểm và đầu tư thêm có rủi ro. Đây là loại sản phẩm phức tạp nhưng được các nhà bảo hiểm triển khai một cách ồ ạt, nhất là qua kênh ngân hàng khiến nhiều người hiểu sai về sản phẩm này. Hàng loạt vụ khiếu nại xảy ra do khách hàng cho rằng họ đã bị đánh tráo khái niệm giữa tiết kiệm và bảo hiểm đầu tư.
Trước đó, theo kết luận thanh tra bán bảo hiểm qua ngân hàng với Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, các doanh nghiệp này mắc sai phạm chủ yếu là bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.
Một số vi phạm điển hình như nhân viên không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục, hồ sơ yêu cầu theo quy định. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không đảm bảo chất lượng tư vấn, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra tình trạng nhân viên công ty bảo hiểm cho đại lý hoặc nhân viên ngân hàng sử dụng mã số đại lý để hướng dẫn khách nhập thông tin. Doanh nghiệp không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.
Cũng tại họp báo Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lý giải chuyện “ngân hàng ế vốn”, khi lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng rất thấp.
Đến 30/6, tăng trưởng tín dụng mới đạt 4,2%, bằng khoảng 1/3 chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao cho các nhà băng (11%). Tức là, dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay. Thanh khoản ngân hàng thương mại đang thừa, lãi suất giảm nhưng tín dụng lại tăng chậm, trái quy luật thông thường.
Giải thích điều này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, tiêu dùng nên tín dụng khó tăng cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất khó khăn, tồn kho lớn nên không có nhu cầu vay vốn; còn doanh nghiệp vừa và nhỏ khó về năng lực tài chính.
“Hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ hay không, trong khi nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay”, ông Tú nêu.
Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án thương mại, nhà ở chưa được triển khai dù ngành ngân hàng “sẵn sàng đẩy mạnh tín dụng những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp”.
Ông Tú nhìn nhận, đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra “khác thường” so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hy vọng các chính sách giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ, lãi suất giảm tiếp và các chính sách tài khóa sẽ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp.Năm nay ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng tín dụng 14-15%.
Nguồn: vnexpress.net