Theo dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, quy định về tiền lương của giáo viên được Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh. Trong ảnh: một tiết học của thầy trò Trường tiểu học Hồ Văn Huê, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh tiền lương của nhà giáo. Cụ thể, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Liệu lần này câu chuyện tiền lương cho nhà giáo đủ sống có được giải quyết rốt ráo, khi đề tài này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong hàng chục năm nhưng kết quả vẫn rất hạn chế?
Thực hiện chưa đến nơi đến chốn
Trên thực tế, chủ trương cải thiện chính sách tiền lương đối với giáo viên từng được đặt ra nhưng chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Ngay từ năm 1996, nghị quyết trung ương 2 khóa VIII đã xác định giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh.
Vì vậy, một trong những giải pháp được đặt ra để xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho người dạy là “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng, do Chính phủ quy định”.
Dù vậy, theo một chuyên gia, ở lần cải tiến tiền lương sau đó, chính sách tiền lương cho nhà giáo vẫn chưa được thực hiện theo tinh thần nghị quyết.
Đến năm 2013, nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định chủ trương trên khi xác định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Sau đó, trong báo cáo của Bộ GD-ĐT về tình hình thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Bộ GD-ĐT đã đề xuất Chính phủ cần xây dựng bảng lương riêng được xác định theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng, hiệu quả công việc của nhà giáo.
Lương giáo viên từ 3-10 triệu đồng
Mới đây, theo báo cáo tình hình thực hiện chính sách tiền lương của Bộ GD-ĐT, tổng thu nhập bình quân của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) dao động từ 3-10 triệu đồng/tháng, tùy theo thâm niên công tác của mỗi giáo viên.
Những giáo viên mới vào ngành, do mức lương khởi điểm thấp, chỉ được hưởng phụ cấp ưu đãi, chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, nên tổng lương trên 3,2 triệu đồng đến trên 3,9 triệu đồng/người/tháng.
Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, mức lương của giáo viên mới ra trường (chưa tính bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp…) thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I, tương đương với mức lương tối thiểu vùng II của người lao động ở các doanh nghiệp.
Tổng hợp mức lương của giáo viên có thâm niên công tác từ 15-25 năm của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy lương của giáo viên đang ở mức thấp.
Cụ thể, giáo viên thâm niên công tác 18 năm có tổng lương (tính cả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên) chỉ trên 7,2 triệu đồng đến trên 8,5 triệu đồng/người, tùy theo từng cấp học từ mầm non đến ĐH-CĐ.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, giáo viên công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách thu hút (70% của lương cơ bản), phụ cấp ưu đãi (70% của lương cơ bản), tổng thu nhập gấp đôi so với giáo viên vùng thuận lợi. Nhưng phụ cấp thu hút chỉ được hưởng tối đa 5 năm.
Tại một số cơ sở giáo dục ĐH-CĐ có thu nhập tăng thêm, cán bộ, giáo viên được hưởng một tỉ lệ nhất định từ nguồn này. Nhưng ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thì gần như không có nguồn thu nhập tăng thêm.
Tiền lương nhà giáo mang tính bình quân
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT về vấn đề tiền lương của nhà giáo cũng thừa nhận một bất cập, là quy định về tiền lương hiện nay vẫn mang tính bình quân, mức chênh lệch giữa các bậc không đáng kể, không gắn với hiệu quả công việc thực tế. Vì thế giáo viên cứ “ở lâu lên lão làng” mà không cần rèn luyện, phấn đấu. Cơ chế này tạo ra sự trì trệ trong ngành GD-ĐT, không khuyến khích các giáo viên trẻ đổi mới, sáng tạo.
Phải xã hội hóa để chi trả lương giáo viên
Với đề xuất điều chỉnh lương giáo viên, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cần có cơ sở, không thể cấp nào cũng cao nhất được và nguyên lý trả lương cần theo độ phức tạp của công việc, những công việc đặc biệt như giáo viên mầm non thì cần trả cao…
Cũng theo TS Lan Hương, hiện ngành giáo dục, y tế đã chiếm trên 50% tổng quỹ lương hành chính sự nghiệp. Vì thế, cần xã hội hóa để lấy nguồn chi trả lương giáo viên. Giáo viên mầm non, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn phải có lương cao hơn cùng cấp ở thành phố.
Nguồn: tuoitre.vn