Nhưng cái giá trị hơn của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nằm ở việc cung cấp sự thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp; làm thay đổi tư duy phục vụ của hành chính nhà nước. Các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến cũng làm hạn chế sự tiếp xúc của người dân với công chức hành chính, mức độ cung cấp trực tuyến càng cao, càng hạn chế được sự sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp.
3 dịch vụ mới bổ sung hôm 19.8 gồm: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, đều là những dịch vụ rất thiết thực, vốn tiêu tốn nhiều thời gian của cá nhân, doanh nghiệp.
Các dịch vụ truyền thống giờ được cung cấp trực tuyến, không đơn giản chỉ là sử dụng công nghệ thông tin và mạng internet như nhiều người lầm tưởng, mà nó khó khăn hơn nhiều, đó là một quá trình phải cấu trúc lại quy trình thủ tục, là đổi mới phương thức làm việc và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Và điều này không chỉ cần tiền bạc mà phải là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương.
Hiện chưa có báo cáo đầy đủ về số lượng các dịch vụ công được giải quyết trực tuyến, nhưng báo cáo ở một số địa phương cho thấy, tỷ lệ đang tăng lên nhanh chóng, nhất là trong thời gian giãn cách do Covid-19.
Khảo sát thực tế thì thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia giải quyết dịch vụ trực tuyến cao hơn cá nhân. Điều này có thể có nguyên nhân từ rào cản về tâm lý, cần phải có khảo sát đầy đủ hơn để khắc phục.
Nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng vấn đề còn nằm ở chất lượng dịch vụ. Trong quá trình doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ, thấy có một số vướng mắc, khó khăn như giao diện không thân thiện, hướng dẫn không rõ ràng, hệ thống bị lỗi, xử lý chậm, đường truyền bị nghẽn…
Trong 17 bộ được nhóm nghiên cứu khảo sát vào tháng 11.2019, chỉ có 8 bộ công bố thống kê số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Một số bộ có số hồ sơ trực tuyến rất ít như Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp không có hồ sơ nào; Bộ Ngoại giao có 1 hồ sơ; Bộ KH-ĐT có 9 hồ sơ; Bộ GTVT có 14 hồ sơ.
Có một số bộ, ngành đầu tư để có số lượng thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến nhiều, nhưng lại không chú trọng việc khiến cho hệ thống hấp dẫn, sử dụng dễ dàng với các đối tượng phục vụ là doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy nhu cầu của người sử dụng.
Cuối cùng, hiệu quả của các giải pháp cải cách hành chính từ Chính phủ, chất lượng cung cấp dịch vụ công vẫn phải đo đếm bằng sự đón nhận của người dân.
Nguồn: thanhnien.vn