Đó là một trong những nội dung được bổ sung trong dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, được nêu tại phiên thảo luận sáng qua (7.4) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trình bày dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi – Ảnh: TTXVN
|
|
Đại diện cơ quan soạn dự thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự luật đã bổ sung hàng loạt tội danh mới từ hành vi như đăng ký kết hôn, khai sinh, đăng ký việc nuôi con nuôi và nhận cha, mẹ, con trái pháp luật; tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại… tới cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ… Bên cạnh đó, hành vi liên quan đến việc tấn công mạng máy tính, viễn thông, thiết bị số, sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện chiếm đoạt tài sản, thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng… cũng được xác định là tội phạm.
Dự luật cũng tội phạm hóa các loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế gồm: làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH); gian lận bảo hiểm y tế (BHYT); trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản…
Theo Bộ trưởng Cường, việc gian lận, trục lợi trong BHXH, BHYT tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội. “Vì vậy, dự luật quy định không đóng BHXH cũng bị truy cứu hình sự”, ông Cường nhấn mạnh.
Cản trở báo chí bị xử lý hình sự
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân (Chương XV) theo hướng: quy định là tội phạm đối với hành vi cản trở việc thực hiện quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân và hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Bên cạnh đó, tăng nặng hình phạt đối với các tội: xâm phạm chỗ ở của người khác; xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo…
Dự thảo cũng bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ không đồng tình. Theo ông Sơn, tuổi thọ trung bình của người VN đã tăng lên và tuổi 70 hiện nay là “tuổi mạnh nhất, chống mệnh lệnh, chống phá cũng mạnh nhất. Cả về trí tuệ, tuổi đó mới xây dựng ngọn cờ, phất cờ rất mạnh, không lý do gì lại không chịu hình phạt cao nhất là tử hình”.
Cũng liên quan án tử hình, trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của QH Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến ủy ban này tán thành bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Tranh luận về trách nhiệm hình sự với pháp nhân
Tại dự thảo, Chính phủ tiếp tục nêu lại việc bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) với pháp nhân. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có hai nhóm ý kiến khác nhau. Nhóm ủng hộ cho rằng việc quy định TNHS pháp nhân trong bộ luật Hình sự là cần thiết. “Thực tế trong những năm qua đã xảy ra những vụ việc do pháp nhân thực hiện gây hậu quả hết sức nghiêm trọng như vụ của Công ty Vedan, vụ Công ty Nicotex (Thanh Hóa). Việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe sự vi phạm nên cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn sự vi phạm này”, ông Cường nói.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến UBTP cho rằng không nên đặt vấn đề bổ sung quy định TNHS của pháp nhân. Bởi những vướng mắc trong việc xử lý đối với các pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Mặt khác, nếu đặt ra vấn đề xử lý TNHS đối với các pháp nhân kinh tế và chỉ trong một số loại tội, thì sẽ không bảo đảm tính công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự.
|
Nguồn: thanhnien.vn